Tóm tắt một số VBPL có hiệu lực từ tháng 9/2011

15:56 / Người đăng: Luật sư Lê Văn Huyên /

I.     THUẾ TNCN ĐỐI VỚI THU NHẬP TỪ CHUYỂN NHƯỢNG BĐS
Ngày 04/8/2011, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 113/2011/TT-BTC về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 62/2009/TT-BTC ngày 27/3/2009, Thông tư số 02/2010/TT-BTC ngày 11/01/2010 và Thông tư số 12/2011/TT-BTC ngày 26/01/2011, theo đó, kể từ ngày 19/9/2011 (ngày Thông tư 113/2011/TT-BTC có hiệu lực), việc tính thuế TNCN và khấu trừ thuế đối với một số trường hợp được quy định như sau:
Đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản:
-      Trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhà, căn hộ đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, căn hộ thì nộp thuế bằng 25% trên thu nhập chuyển nhượng (= Giá chuyển nhượng – Giá vốn); trường hợp giá vốn không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp đầy đủ để chứng minh thì bắt buộc tính bằng 2% của Giá chuyển nhượng.
Giá chuyển nhượng là giá thực tế ghi trên hợp đồng chuyển nhượng. Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá chuyển nhượng hoặc ghi giá chuyển nhượng thấp hơn bảng giá đất, giá tính lệ phí trước bạ nhà do UBND cấp tỉnh ban hành tại thời điểm chuyển nhượng thì giá chuyển nhượng được xác định theo bảng giá đất, giá tính lệ phí trước bạ do UBND cấp tỉnh quy định.
Giá vốn bao gồm giá mua và các chi phí liên quan (các chi phí liên quan đến cấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà; chi phí cải tạo đất, nhà; chi phí xây dựng; các chi phí liên quan khác) mà người nộp thuế kê khai phải có hoá đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh.
-      Đối với hợp đồng mua bán nền nhà, hợp đồng góp vốn để có quyền mua nền nhà, nhà, căn hộ ký trước ngày 08/8/2010, nay được chủ đầu tư đồng ý cho cá nhân chuyển nhượng thì kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân 25% trên thu nhập. Trường hợp giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng chuyển nhượng hoặc ghi trên Tờ khai thuế TNCN thấp hơn giá đất, giá tính lệ phí trước bạ do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng hoặc không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh giá vốn thì nộp thuế thu nhập cá nhân 2% trên giá chuyển nhượng.
-       Đối với chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai cá nhân kê khai và nộp thuế theo thuế suất 25% trên thu nhập. Trường hợp giá chuyển nhượng ghi trên hợp đồng chuyển nhượng, trên tờ khai thuế thấp hơn giá đất, giá tính lệ phí trước bạ do UBND cấp tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng; đồng thời không có hoá đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh giá chuyển nhượng, giá vốn thì cơ quan thuế tính thuế 2% trên giá đất, giá tính lệ phí trước bạ nhà do UBND cấp tỉnh quy định.
Khấu trừ thuế trước khi trả thu nhập:
-      Các tổ chức, cá nhân chi trả tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa; tiền lương, tiền công, tiền dịch vụ khác, tiền chi khác cho cá nhân thực hiện các dịch vụ có tổng mức trả thu nhập từ 01 triệu đồng/lần trở lên thì thực hiện khấu trừ thuế trước khi trả thu nhập cho cá nhân (theo quy định trước đây, tổng mức trả thu nhập từ 500.000 đồng/lần trở lên đã phải thực hiện khấu trừ thuế).
-       Mức khấu trừ 10% trên thu nhập trả cho các cá nhân có mã số thuế và 20% đối với cá nhân không có mã số thuế, trừ các trường hợp Bộ Tài chính đã có văn bản hướng dẫn mức tạm khấu trừ riêng (thay vì 01 mức duy nhất là 10% như quy định cũ).
-         Trường hợp cá nhân chỉ có duy nhất thu nhập thuộc đối tượng phải khấu trừ thuế theo tỷ lệ nêu trên nhưng ước tính tổng mức thu nhập chịu thuế của cá nhân sau khi trừ gia cảnh chưa đến mức phải nộp thuế thì cá nhân có thu nhập làm cam kết gửi tổ chức trả thu nhập để tổ chức trả thu nhập làm căn cứ tạm thời chưa khấu trừ thuế TNCN.

II.               LỆ PHÍ TRƯỚC BẠ
Ngày 17/6/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 45/2011/NĐ-CP về Lệ phí trước bạ thay thế các Nghị định trước đây của Chính phủ về lệ phí trước bạ. Theo đó, kể từ ngày 01/9/2011, Quý Khách hàng cần chú ý những điểm mới sau:
-        Nhà ở của hộ gia đình, cá nhân tạo lập thông qua hình thức phát triển nhà ở riêng lẻ; Nhà xưởng của cơ sở sản xuất, kinh doanh sẽ không phải nộp Lệ phí trước bạ; Nhà, đất nhận thừa kế hoặc là quà tặng giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; cha vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh, chị, em ruột với nhau nay được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu sẽ không phải nộp lệ phí trước bạ.
-       Mức thu lệ phí trước bạ đối ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe) nộp lệ phí trước bạ theo mức từ 10% đến 20% so với mức trước đây là từ 10%-15%.

III.            CHUYỂN DOANH NGHIỆP 100% VỐN NHÀ NƯỚC THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN
Ngày 18/7/2011, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2011/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, Nghị định này có hiệu lực từ ngày 05/9/2011 thay thế Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần. Theo đó, kể từ ngày 05/9/2011:
-       Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế; Tổng công ty nhà nước (kể cả Ngân hàng Thương mại nhà nước); (ii) Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là doanh nghiệp thuộc các Bộ; cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ; UBND cấp tỉnh; (iii) Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chưa chuyển thành công ty TNHH một thành viên phải thực hiện chuyển đổi thành Công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005.
-        Nghị định 59 đã quy định rõ hơn tiêu chí xác định nhà đầu tư chiến lược. Theo đó, nhà đầu tư chiến lược được hiểu là các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính và có cam kết bằng văn bản của người có thẩm quyền trong việc gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp sau cổ phần hóa về: chuyển giao công nghệ mới; đào tạo nguồn nhân lực; nâng cao năng lực tài chính; quản trị doanh nghiệp; cung ứng nguyên vật liệu; phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Số lượng nhà đầu tư chiến lược mua cổ phần tại mỗi doanh nghiệp cổ phần hóa là tối đa 03 nhà đầu tư. Nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng số cổ phần mua trong thời hạn tối thiểu 05 năm, kể từ ngày công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.
-         Nguyên tắc xác định giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược như sau:
+   Giá bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược là giá bán do Ban Chỉ đạo cổ phần hóa thỏa thuận trực tiếp với các nhà đầu tư chiến lược nhưng không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai nếu bán sau khi đấu giá công khai; trường hợp thỏa thuận trực tiếp hoặc đấu giá giữa các nhà đầu tư chiến lược có đủ tiêu chuẩn và đã thực hiện đăng ký mua trước khi thực hiện đấu giá công khai là giá thỏa thuận giữa các bên (trường hợp thỏa thuận) hoặc là giá đấu thành công (đối với trường hợp đấu giá) nhưng không thấp hơn giá khởi điểm đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa phê duyệt.
+     Nhà đầu tư chiến lược phải đặt cọc ngay 10% giá trị cổ phần đăng ký mua theo giá khởi điểm đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa phê duyệt. Trường hợp từ bỏ quyền mua, nhà đầu tư không được nhận lại tiền đặt cọc.
-      Thành viên Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp (trừ các thành viên là đại diện của doanh nghiệp); các tổ chức tài chính trung gian; các công ty con, công ty liên kết trong cùng Tập đoàn, Tổng công ty và tổ hợp công ty mẹ - công ty con; các cá nhân thực hiện tư vấn, định giá, kiểm toán, đấu giá bán cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa không được tham gia mua cổ phần phát hành lần đầu của doanh nghiệp đó.

IV.         QUY ĐỊNH VIỆC MANG NGOẠI TỆ TIỀN MẶT, ĐỒNG VIỆT NAM TIỀN MẶT CỦA CÁ NHÂN KHI XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH
Ngày 12/8/2011, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 15/2011/TT-NHNN quy định việc mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt của cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh. Theo đó, kể từ ngày 01/9/2011:
-         Cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang nhiều hơn 5.000 USD (năm nghìn Đôla Mỹ) hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương hoặc trên 15.000.000 VNĐ (mười lăm triệu đồng Việt Nam) thì phải khai báo Hải quan cửa khẩu (trừ các loại phương tiện thanh toán, giấy tờ có giá bằng ngoại tệ hoặc bằng đồng Việt Nam như séc du lịch, thẻ ngân hàng, sổ tiết kiệm, các loại chứng khoán và các loại giấy tờ có giá khác).
-     Cá nhân nhập cảnh mang theo ngoại tệ tiền mặt bằng hoặc thấp hơn mức 5.000 USD hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương và có nhu cầu gửi số ngoại tệ tiền mặt này vào tài khoản thanh toán bằng ngoại tệ của cá nhân mở tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được phép hoạt động ngoại hối (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng được phép), cũng phải khai báo Hải quan cửa khẩu. Tờ khai nhập cảnh - xuất cảnh có xác nhận của Hải quan cửa khẩu về số ngoại tệ tiền mặt mang vào là cơ sở để tổ chức tín dụng được phép cho gửi ngoại tệ tiền mặt vào tài khoản thanh toán.
-         Về thủ tục khai báo hải quan, bắt buộc cá nhân phải có giấy xác nhận mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt ra nước ngoài do tổ chức tín dụng được phép cấp hoặc văn bản chấp thuận cho cá nhân mang ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt ra nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp.

V.                HƯỚNG DẪN THI HÀNH LUẬT TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH
Ngày 29/7/2011, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 01/2011/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 56/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về việc thi hành Luât Tố tụng hành chính và Nghị quyết số 02/2011/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Tố tụng hành chính. 2 Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 12/9/2011. Theo đó, Quý Khách hàng cần chú ý một số điểm mới quan trọng như sau:
Theo Nghị quyết số 01/2011/NQ-HĐTP thì:
-       Người khiếu nại đã thực hiện việc khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai đến Chủ tịch UBND cấp huyện, Chủ tịch UBND cấp tỉnh từ ngày 01/6/2006 đến ngày ngày 01/7/2011 mà khiếu nại không được giải quyết hoặc đã được giải quyết nhưng họ không đồng ý với việc giải quyết khiếu nại và chưa khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án nhân dân hoặc đã khởi kiện vụ án hành chính tại Toà án nhân dân, nhưng Toà án đã trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ việc giải quyết vụ án hành chính thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của Luật Tố tụng hành chính trong thời hạn từ 01/7/2011 đến 31/6/2012.
-       Đối với trường hợp Tòa án đã ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án và đương sự có đơn khởi kiện thì Tòa án thụ lý giải quyết.
Theo Nghị quyết 02/2011/NQ-HĐTP thì:
-     Quyết định hành chính thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính là văn bản được thể hiện dưới hình thức quyết định hoặc dưới hình thức khác như thông báo, kết luận, công văn do cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc người có thẩm quyền trong các cơ quan, tổ chức đó ban hành có chứa đựng nội dung của quyết định hành chính được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể trong hoạt động quản lý hành chính mà người khởi kiện cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
-       Hành vi hành chính thuộc đối tượng khởi kiện để yêu cầu Toà án giải quyết vụ án hành chính là hành vi của cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan, tổ chức khác hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan, tổ chức đó thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật.
-         Thiệt hại mà người khởi kiện được bồi thường là thiệt hại thực tế do có quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh gây ra. Trường hợp người khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu bồi thường thiệt hại thì có nghĩa vụ cung cấp chứng cứ. Trường hợp cần thiết Toà án có thể thu thập thêm chứng cứ để bảo đảm cho việc giải quyết vụ án được chính xác.

VI.             ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG:
Ngày 18/7/2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư số 26/2011/TT-BTNMT quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011 của Chính phủ quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường. Theo đó, kể từ ngày 02/9/2011, thủ tục, hồ sơ để lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường, lập, đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường thực hiện theo Thông tư này.


(Theo DLF)

Nhãn: