Mua nhà theo chỉ số CPI: Phần thiệt thuộc khách hàng

08:33 / Người đăng: Luật sư Lê Văn Huyên /

Ảnh minh họa
Việc điều chỉnh giá bán bất động sản theo chỉ số CPI rõ ràng là một công cụ để bảo vệ chủ đầu tư về sự trượt giá và đẩy rủi ro cho khách hàng.

>> Bức xúc vì bán căn hộ theo chỉ số CPI

Gần đây trên thị trường bất động sản Việt Nam, có chủ đầu tư đưa ra phương pháp điều chỉnh giá mua bán nhà theo chỉ số giá tiêu dùng của cả nước (CPI) do Tổng cục Thống kê công bố.


Trên cơ sở phân tích những số liệu thống kê trong quá khứ sẽ thấy rằng với cách làm này chủ đầu tư đang đẩy rủi ro về sự biến động giá cả sang phía khách hàng.


Trong giỏ hàng hóa tính chỉ số CPI có đến 11 nhóm hàng hóa như: hàng ăn và dịch vụ ăn uống; đồ uống, thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; nhà ở, vật liệu xây dựng (nhóm này bao gồm: tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng); thiết bị và đồ dùng gia đình; văn hóa, giải trí và du lịch… Để tính CPI người ta tính số bình quân gia quyền của giá cả của kỳ báo cáo so với kỳ cơ sở để xác định mức độ tăng giảm chỉ số này.

Rõ ràng, với cách tính và cơ cấu hàng hóa như trên, cách dùng chỉ số CPI để làm cơ sở điều chỉnh giá bất động sản là không hợp lý, vì bất động sản là một trong những hàng hóa có cơ cấu nhỏ trong giỏ hàng hóa trên và bất động sản là tài sản cố định chứ không phải là các hàng hóa tiêu dùng như lương thực thực phẩm.

Theo Tổng cục Thống kê, quyền số của nhóm hàng hóa lương thực thực phẩm chiếm đến 47,9%, trong khi văn hóa, giải trí và du lịch chỉ có 3,8%. Mặt khác, khi tính toán tính khả thi phương án đầu tư, xây dựng giá thành đã có quy định phải lập quỹ dự phòng đến 10% trước khi ấn định giá bán đã có lời.



Thực tế, trong thời gian từ năm 2008-2011, nhóm hàng tăng giá cao nhất là lương thực thực phẩm, tuy giá nhà cũng tăng nhưng nó chỉ góp một phần rất nhỏ kéo giá CPI tăng đều hàng năm như thời gian qua. Đồ thị bên dưới cho thấy chỉ số CPI trong ba năm qua và bốn tháng đầu năm 2011 tăng đều và đạt mức rất cao.

Giả sử chúng ta xét trường hợp một dự án căn hộ với thời gian từ khi tiến hành trao đổi mua bán đến lúc bàn giao nhà là thời điểm khách hàng thanh toán lần cuối cùng và nhận bàn giao từ chủ đầu tư, là 28 tháng (thực tế đây là thời gian trung bình của một dự án căn hộ hoàn thành ở TPHCM).

Ví dụ thời gian mua bán căn hộ là tháng 1-2009 và bàn giao nhà là tháng 4-2011, nhìn vào sơ đồ biễu diễn chúng ta thấy từ tháng thứ 1 đến tháng thứ 28 (tức là hai năm bốn tháng) tốc độ CPI tăng đến 24,3%, điều này có nghĩa nếu khách hàng mua nhà có điều chỉnh giá theo chỉ số CPI họ sẽ phải chịu một chi phí tăng lên đến 24,3%.
Cụ thể, khách hàng mua căn hộ với giá trị hợp đồng là 2 tỉ đồng và khách hàng đóng tiền theo tiến độ xây dựng và phương thức thành toán công ty đưa ra, và các lần thanh toán được điều chỉnh theo chỉ số CPI, thì khách hàng sẽ phải dự phòng số tiền phát sinh lên tới 486 triệu (2 tỉ x 24,3%).



Việc điều chỉnh giá bán bất động sản theo chỉ số CPI rõ ràng là một công cụ để bảo vệ chủ đầu tư về sự trượt giá và đẩy rủi ro cho khách hàng.

Giả sử có khách hàng chấp nhận giao dịch bất động sản theo hình thức này, thì để hạn chế rủi ro, nên có điều khoản thỏa thuận sao cho số tiền bị điều chỉnh tăng chỉ tính trên số tiền còn lại trong hợp đồng góp vốn. Mặt khác, cần có điều khoản chặt chẽ đối với chủ đầu tư về mức phạt nếu tiến độ xây dựng dự án và bàn giao nhà chậm so với cam kết.

Nguyễn Anh Tuấn
MA. Marketing & Sales Services, IAE Paris Sorbonne

Theo TBKTSG

Nhãn:

Đề xuất của Bộ Xây dựng không mới nhưng "lạ"

08:59 / Người đăng: Luật sư Lê Văn Huyên /

Những đề xuất của Bộ Xây dựng vừa qua liên quan đến thị trường bất động sản như: cấm phân lô, bán nền; được dùng chung cư làm văn phòng giao dịch; mua bán nhà không cần công chứng... tuy có những điểm không mới nhưng "lạ".
Được sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng với mục đích giao dịch là một trong những nội dung được Bộ Xây dựng đưa vào dự thảo Thông tư quy định việc sử dụng căn hộ nhà chung cư làm văn phòng.
Cấm rồi lại... cho
Cách đây 2 năm, Bộ Xây dựng có Công văn số 2544 yêu cầu một số địa phương tiến hành rà soát và có biện pháp chấn chỉnh việc sử dụng nhà chung cư làm văn phòng. Khi đó, trả lời báo chí, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS khẳng định: “Cần phải có sự chấn chỉnh lại trong sử dụng, quản lý nhà chung cư, nếu không sẽ dẫn đến tình trạng xuống cấp nhanh chóng của các khu chung cư, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân trong các khu đó”.
Lãnh đạo Bộ Xây dựng cũng đưa ra hàng loạt lý do để bảo vệ cho lệnh cấm của mình được thực thi. Nào là, chung cư có tính cộng đồng cao nên khi sống tại đó, tất cả phải tôn trọng cộng đồng. Chẳng hạn, nhà ở là nơi để nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động... Nếu có một văn phòng ồn ào ngay bên cạnh hay trên tầng của mình thì sẽ không thể nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động; Về mặt kỹ thuật, phải sử dụng đúng công năng của toà nhà, tuân thủ thiết kế mới đảm bảo độ an toàn...
Tuy nhiên, sau lệnh cấm đó, gần như các địa phương làm thinh, không thấy tổ chức thực hiện, nên Bộ Xây dựng đành gia hạn. Nhưng sau đó, chẳng ai đoái hoài, ngoài một số báo chí tuyên truyền khá rầm rộ, ủng hộ. Bởi thế, đến nay ngày càng nhiều văn phòng tại các chung cư mặc nhiên tồn tại. Trên các trang rao vặt vẫn nhan nhản thông tin cho thuê chung cư làm văn phòng.
Mới đây, không hiểu vì lý do gì, Bộ Xây dựng làm dự thảo Thông tư, quy định việc sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng, lại cho phép dùng chung cư làm văn phòng với mục đích giao dịch.
Tuy có đặt ra điều kiện: Diện tích sử dụng bình quân phải bằng hoặc lớn hơn 8m2/người; Hoạt động của văn phòng không làm ảnh hưởng đến sinh hoạt cộng đồng, đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy; Việc sử dụng căn hộ làm văn phòng phải có sự đồng ý (ký tên) của các chủ sở hữu, người sử dụng trong cùng tầng nhà của đơn nguyên có căn hộ đó và ít nhất hai phần ba tổng số các chủ sở hữu, người sử dụng trong đơn nguyên có căn hộ đó...
Bà Chu Thị Hoa, đang sinh sống ở tòa nhà chung cư Vimeco (Hoàng Minh Giám, Cầu Giấy) nói: “Ngay tại tầng nhà tôi đang ở có đến hai văn phòng công ty. Hằng ngày riêng việc đợi thang máy với hàng chục người trong công ty đó lên xuống cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt của gia đình tôi. Nhất là giờ ăn trưa họ gây ồn ào, mất trật tự khiến chúng tôi không thể nghỉ ngơi. Tôi phản đối việc cho thuê căn hộ chung cư làm văn phòng, dù với mục đích gì chăng nữa”.
Ông Đinh Quang Hùng - CLB BĐS Hà Nội cho rằng, cho phép chung cư làm văn phòng là một sự nhượng bộ của Bộ Xây dựng trước sự ngang nhiên tồn tại của hàng loạt các văn phòng tại các chung cư hiện nay.
Chính điều này làm méo mó thị trường BĐS khi hàng loạt các văn phòng cho thuê được tung ra thì không ai thuê, những người có nhu cầu mua chung cư để ở bị e ngại trước tình trạng quá nhiều văn phòng tại tòa nhà đó.

Cấm phân lô, bán nền: Không mới
GS.Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, việc Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng cấm chia lô, bán bền tại các dự án đô thị không có gì mới. Bởi Nghị định 181 (ngày 29-10-2004) đã cấm tuyệt đối việc phân lô, bán nền tại các dự án đô thị.
Sở dĩ quy định như vậy, để chúng ta dần xây dựng được các thành phố theo hướng hiện đại, không bị băm nát. Nhưng sau đó nhà đầu tư kêu dữ quá, vì không phải ai cũng có đủ vốn làm, nên sau khi nghị định có hiệu lực, thị trường không phát triển được nguồn cung. Rồi sau đó, tại Nghị định 17 (ngày 27-1-2006, sửa đổi Nghị định 187) lại cho phép doanh nghiệp phân lô, bán nền, sau khi đã xây nhà thô.
“Việc xóa bỏ hình thức phân lô, bán nền tại các đô thị là đúng. Nhưng trong bối cảnh thị trường đang ảm đạm như hiện nay, sẽ lặp lại tình trạng như khi nghị định 181 có hiệu lực. Như vậy, khó khả thi”- Ông Võ nói.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Vũ Xuân Thiện - Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS, nói: “Việc xóa bỏ hình thức phân lô, bán nền đã được đề cập từ trước nhưng rõ nhất là qua báo cáo gửi Thủ tướng gần đây của Bộ Xây dựng.
Thực tế, hiện nay có tình trạng hàng loạt dự án BĐS ở các thành phố được xây dựng nhưng không hình thành được đô thị. Nếu để chia lô, bán nền tiếp thì doanh nghiệp có lợi nhưng phát triển đô thị không thành. Giải pháp này sẽ hạn chế được tình trạng bỏ hoang nhà tại các đô thị, giúp doanh nghiệp tập trung được nguồn vốn. Điều này hoàn toàn có lợi cho DN”.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp tỏ ra quan ngại trước đề xuất này của Bộ Xây dựng. Ông Nguyễn Gia Vinh - Giám đốc Công ty địa ốc Gia Vinh bày tỏ: “Thị trường BĐS khó khăn như hiện nay thì việc cấm chia lô, bán nền chẳng khác nào dồn doanh nghiệp vào thế đường cùng. Đầu vào về vốn cho BĐS đang bị ngân hàng siết chặt, nay chặn tiếp dòng vốn huy động từ khách hàng sẽ khiến các doanh nghiệp đầu tư BĐS lao đao”.

Bỏ công chứng, rủi ro ai chịu?
Liên quan đến đề xuất hợp đồng mua bán nhà, căn hộ không cần qua công chứng (bởi đã có bộ phận chức năng của cơ quan quản lý về xây dựng và tài nguyên môi trường làm) của Bộ Xây dựng, bà Đỗ Hoàng Yến - Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) cho biết, đề xuất này không phù hợp.
Hiện các hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất và các hợp đồng giao dịch căn hộ diễn ra thường xuyên hằng ngày, với giá trị lớn, có nguy cơ xẩy ra tranh chấp rất cao. Nếu bỏ công chứng, khi các hợp đồng này gặp rủi ro cho các bên tham gia thì ai chịu. Ai đứng ra “chứng” là hợp đồng đó đảm bảo tính xác thực và hợp pháp?
Kể từ khi công chứng tư ra đời, các thủ tục công chứng đã rất thuận tiện và đơn giản, nên việc Bộ Xây dựng lấy lý do công chứng gây phiền hà, tăng thủ tục hành chính cho dân, là không thuyết phục.

Theo
 Tiền Phong.

Nhãn:

Khó cấm kinh doanh trong chung cư

09:14 / Người đăng: Luật sư Lê Văn Huyên /


Các luật, nghị định có liên quan đến nhà ở hay đăng ký kinh doanh đều không có quy định cấm dùng nhà chung cư làm văn phòng.

Sáng 25-5, Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM sẽ làm việc với Sở Xây dựng về các căn cứ cấm kinh doanh trong chung cư. Trước đó, Sở KH&ĐT đã có văn bản “phản pháo” việc cấm kinh doanh ở nhà chung cư mà Bộ Xây dựng đưa ra.
“Doanh nghiệp kiện ra tòa, Sở sẽ thua chắc"
Sở KH&ĐT cho biết hiện nay ở TP.HCM, việc cấp đăng ký kinh doanh đối với ngành nghề nhạy cảm như khách sạn, quán bar, vũ trường, massage, karaoke thì phải có ý kiến của UBND quận, huyện trước. Quận, huyện đồng ý thì Sở mới cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp. Một số ngành nghề như sản xuất hóa chất, thuộc da, xi mạ, thuốc lá… cũng sẽ không được cấp trong khu dân cư để bảo đảm vệ sinh môi trường. Các quy định này có căn cứ pháp lý rõ ràng, có mục đích điều chỉnh rõ ràng nên Sở có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, việc có cấm dùng nhà chung cư làm văn phòng, trụ sở giao dịch hay không thì lại không rõ ràng. Bà Nguyễn Thị Hữu Hòa, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT, cho biết trong các luật, nghị định có liên quan đến nhà ở hay đăng ký kinh doanh đều không có quy định cấm dùng nhà chung cư làm văn phòng, trừ một số trường hợp cụ thể với ngành nghề kinh doanh cụ thể. Trong Công văn 2544 (tháng 11-2009), Bộ Xây dựng cho rằng sử dụng căn hộ chung cư làm văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh là trái với mục đích sử dụng. Đây không thể là cơ sở pháp lý để Sở từ chối cấp đăng ký kinh doanh. Nếu Sở không cấp thì doanh nghiệp có thể kiện ra tòa và Sở sẽ thua chắc.
Từ đó, bà Hòa khẳng định: “Sở vẫn tiếp tục cấp”.
Hướng dẫn bất nhất
Công văn 2544 cho rằng dùng nhà chung cư làm văn phòng là “trái mục đích sử dụng”. Tuy nhiên, trước đó không lâu, cũng chính Bộ Xây dựng ban hành Quyết định 08/200 về quy chế quản lý sử dụng nhà chung cư. Trong quyết định này, cấm kinh doanh các ngành nghề và các loại hàng hóa dễ gây cháy nổ như hàn, gas, vật liệu nổ, cấm kinh doanh dịch vụ gây tiếng ồn, ô nhiễm môi trường như nhà hàng karaoke, vũ trường, sửa xe; lò mổ gia súc...
Quy định như vậy có nghĩa là kinh doanh các ngành nghề khác, làm văn phòng, đặt trụ sở ở nhà chung cư vẫn được chấp nhận.
Đặc biệt, sau khi có Công văn 2544, chính Bộ Xây dựng cũng có công văn hướng dẫn “du di”. Bà Nguyễn Thị Hữu Hòa cho biết Bộ Xây dựng từng có công văn hướng dẫn rằng trường hợp chủ sở hữu sử dụng căn hộ làm văn phòng mà văn phòng đó “có quy mô gia đình, nhỏ và ít người, chỉ phục vụ cho mục đích giao dịch, không sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh, bán hàng hoặc làm kho tàng”, tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy thì được phép tiếp tục sử dụng…
Hướng dẫn này cũng rất mơ hồ khi đặt điều kiện về tính “ảnh hưởng” khi sử dụng điện, nước, thang máy, độ ồn, rác thải sinh hoạt, phòng cháy chữa cháy. Cụ thể, nếu sử dụng nhà chung cư làm văn phòng mà hoạt động “gây ảnh hưởng ít hơn hoặc bằng” với làm căn hộ thì được làm văn phòng.
Sở KH&ĐT cho rằng không thể cân đo được mức độ ảnh hưởng này vì không có chuẩn căn hộ là hai, bốn hay 10 người ở một căn hộ.
Chỉ nên quản lý bằng kỹ thuật
Bà Nguyễn Thị Hữu Hòa cho rằng việc văn phòng, cơ sở sản xuất, kinh doanh xen lẫn với nhà ở sẽ không đảm bảo an toàn trong công tác phòng cháy chữa cháy, gây xáo trộn, mất trật tự an ninh và ảnh hưởng đến sinh hoạt của các hộ dân khác trong chung cư. Tuy nhiên, cách quản lý “cấm tiệt” là không hợp tình, hợp lý.
Bà Hòa cho biết trên thực tế, trong số các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh có trụ sở đặt tại nhà chung cư có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, hầu như không có khách hàng lui tới mà chỉ giao dịch qua mạng, qua điện thoại. Các chủ doanh nghiệp này chỉ cần có địa chỉ hợp pháp để đăng ký kinh doanh. Nếu cấm hoặc đặt nhiều điều kiện, thủ tục khó khăn thì doanh nghiệp sẽ “xoay” cách khác, có thể là mượn địa chỉ nhà người thân để đăng ký kinh doanh nhưng thực chất vẫn làm việc, giao dịch tại nhà chung cư. 
Như vậy thì mục đích quản lý cũng không đạt được mà lại làm khó doanh nghiệp. Thay vào đó, cơ quan quản lý về xây dựng cần đưa ra các biện pháp kỹ thuật, đòi hỏi chủ đầu tư phải thực hiện khi xây dựng chung cư. Ví dụ như các thiết bị kiểm soát an ninh, thẻ ra vào bằng từ, hệ thống phòng cháy chữa cháy hiện đại… để phục vụ tốt công tác quản lý trong nhà chung cư.
Trong dự thảo thông tư về sử dụng căn hộ nhà chung cư làm văn phòng mà Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến có quy định điều kiện sử dụng. Trong đó có điều kiện phải được sự đồng ý của ít nhất hai phần ba chủ sở hữu, người sử dụng trong cùng tầng nhà. Sở KH&ĐT cho rằng quy định này thiếu khả thi. Trước khi đăng ký kinh doanh thì xin phép hàng xóm và được phép. Đăng ký kinh doanh xong mà hàng xóm không thích, không ưng nữa thì sao?
Theo Quỳnh Như
Pháp Luật TPHCM

Nhãn:

Cấm phân lô, bán nền: Thà một lần đau?

07:56 / Người đăng: Luật sư Lê Văn Huyên /


Bên cạnh chiều hướng quan ngại, đề xuất xóa bỏ hình thức phân lô, bán nền, bán nhà xây thô vừa được Bộ Xây dựng trình lên Chính phủ cũng được nhiều ý kiến đồng thuận của doanh nghiệp.

Trong Báo cáo Tình hình thị trường và đề xuất một số cơ chế, giải pháp chống đầu cơ, thao túng giá, ổn định thị trường gửi Thủ tướng Chính phủ hôm 12/5, Bộ Xây dựng đã kiến nghị xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị; chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao cho khách hàng. Đây cũng là vấn đề đang thu hút nhiều ý kiến trái chiều từ các nhà phát triển dự án bất động sản (BĐS).
Nỗi lo về vốn
Ở góc độ doanh nghiệp, các ý kiến quan ngại, phản đối đề xuất nêu trên hiện khá chủ đạo. Không khó để thấy rằng, biện pháp này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn vốn thực hiện dự án của các chủ đầu tư.
Bởi lẽ, theo ông Nguyễn Văn Minh, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản VN, có đến 90% doanh nghiệp BĐS hoạt động dựa vào nguồn tín dụng từ các ngân hàng. Hiện nay, trong bối cảnh siết tín dụng đối với BĐS, doanh nghiệp càng trông chờ vào nguồn vốn huy động được từ khách hàng.
Nay, việc cấm chia lô, bán nền, bán nhà xây thô chẳng khác nào bóp nghẹt thêm đầu vào về vốn này trên thị trường. Không ai khác, chính các chủ đầu tư là đối tượng hứng chịu khó khăn đầu tiên khi dự án triển khai giảm sự thu hút, có nguy cơ đổ vỡ vì đòi hỏi một lượng vốn lớn hơn để hoàn thiện trong khi lại bất lực vì thiếu vốn. Hệ lụy là, nguồn cung và nguồn cầu đều sụt giảm, thị trường đối mặt với nguy cơ đóng băng.
"Việc ràng buộc chủ đầu tư cam kết làm dự án phải hoàn thiện toàn bộ sản phẩm, có cái khó là đẩy suất đầu tư của chủ đầu tư lên rất lớn. Trong khi đó chưa rõ chính sách nới lỏng, hỗ trợ cho chủ đầu tư về vốn trong bối cảnh hiện nay. Có thể khẳng định ở Việt Nam, gần như hiếm có chủ đầu tư nào làm được như vậy nếu không có vốn liên doanh từ nước ngoài hoặc không có sự liên kết góp vốn, hợp đồng hợp tác với chủ đầu tư thứ phát để có thể đủ tiền làm dự án từ lúc bắt đầu đến khi hoàn chỉnh - ông Nguyễn Hữu Cường - Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội nhận xét.
Tích cực nhiều hơn tiêu cực
Mặc dù quan điểm đề xuất của Bộ Xây dựng chưa tháo gỡ được về vốn cho doanh nghiệp thực hiện dự án nhưng không thể phủ nhận nhiều điểm thiết thực đối với thị trường.
Ông Lê Quốc Hưng, Giám đốc điều hành Công ty CP Phát triển Đô thị Việt Nam, thẳng thắn nhìn nhận, việc cấm chia lô, bán nền đất dự án nếu được thực thi sẽ có những hạn chế như: không khuyến khích các chủ đầu tư tham gia vào BĐS (vì nếu chỉ trông chờ vào nội lực doanh nghiệp thì hầu như không đủ khả năng làm dự án); không hút được khách hàng đầu tư vào dự án, khiến việc phát triển dự án, quy hoạch sẽ gặp khó khăn.
Nhưng bù lại, mặt tích cực dễ thấy là: hạn chế nạn đầu cơ tràn lan như hiện nay; tránh tình trạng hoang hóa đô thị không có người sử dụng; loại bỏ được những chủ đầu tư thiếu khả năng về vốn và quản lý; tránh rủi ro cho khách hàng khi tham gia; tính đồng bộ dự án (thiết kế, kiến trúc, cảnh quan...) được thực thi; không để dòng tiền ứ đọng vào BĐS trong khi nền kinh tế rất cần tiền cho hoạt động sản xuất kinh doanh...
Một cách diễn đạt khác, ông Nguyễn Hữu Cường bổ sung thêm, việc ràng buộc chủ đầu tư phải hoàn chỉnh sản phẩm cuối cùng tới tay người mua sẽ tránh được tình trạng người muốn mua lại không quen chủ đầu tư, không mua được đất ở giá gốc; hoặc người mua không có nhu cầu sử dụng để đất hoang hóa, nhà xây thô không có nhu cầu để ở nên không hoàn thiện, dẫn tới sự lãng phí, méo mó trong tổng thể cảnh quan.
"Nếu được thực hiện, biện pháp này sẽ phát huy tác dụng đối với chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, bằng nhiều hình thức tiết lộ thông tin bán trước khi được phép; hoặc chủ đầu tư không có kinh nghiệm kết hợp với nhà đầu tư thứ phát, không giữ đúng cam kết, lộ trình dự án để huy động vốn - ông Cường nói.
Thà đau một lần?
Qua phân tích nêu trên thấy rằng mặt tích cực nhiều hơn mặt hạn chế. Vị Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội cho rằng, chắc chắn khó khăn cho doanh nghiệp là có nhưng cũng cần thiết phải "đau một lần nhằm sàng lọc ngay từ đầu hàng trăm nhà phát triển dự án không đủ tiềm lực để hoàn thiện sản phẩm. Làm được như vậy, người mua cuối cùng sẽ được hưởng lợi với một sản phẩm trọn vẹn, đúng chất lượng, thiết kế cũng như tiến độ.
Cũng cho rằng, theo logic việc cấm phân lô bán nền là đúng nhưng ông Lê Quốc Hưng vẫn căn cơ, trong bối cảnh đẩy mạnh đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay, nếu cấm hình thức này thì việc phát triển dự án sẽ rất khó khăn. Do đó cần có giải pháp hài hòa giữa việc thả lỏng như hiện nay và việc cấm như dự kiến.
Phương án khả thi và giảm "sốc" hơn mà Bộ Xây dựng có thể đưa ra, theo ông Hưng là: vẫn cho phép phân lô bán nền nhưng giám sát chặt các dự án có đủ pháp lý mới được huy động (bỏ huy động 20% như hiện nay vì đây chính là kẽ hở cho chủ đầu tư huy động trước mà chẳng biết là bao nhiêu %); đưa ra chế tài đủ mạnh như thu hồi đất đối với chủ đầu tư dự án và người mua nếu không thực hiện đúng cam kết về thời gian, tiến độ hoàn thiện công trình cũng như việc chuyển tới sinh sống...
Theo các chuyên gia xây dựng, việc chấm dứt huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, nhà nước trước hết phải hoàn thiện khung pháp lý, hạn chế rủi ro cho người mua và doanh nghiệp tham gia thị trường. Để chống đầu cơ hiệu quả trong bối cảnh hiện tại, việc cần làm là các cơ quan chức năng khẩn trương nghiên cứu, ban hành chính sách thuế đủ mạnh đối với việc đầu tư, kinh doanh BĐS, đặc biệt là những sản phẩm nhà đất không đưa vào sử dụng, gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý xã hội.
Theo Nguyễn Nga
VEF

Nhãn:

Chưa áp dụng Nghị định số 23/2009/NĐ-CP để xử phạt nhà thầu không mua bảo hiểm trong hoạt động xây dựng.

09:57 / Người đăng: Luật sư Lê Văn Huyên /


Ngày 19/5, Bộ Xây dựng đã có Công văn 760/BXD-TTr hướng dẫn Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh áp dụng Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ Về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở như sau:
Theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 76 của Luật Xây dựng, việc mua bảo hiểm của nhà thầu thi công xây dựng được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Kinh doanh bảo hiểm, bảo hiểm trong hoạt động xây dựng không thuộc danh mục các loại bảo hiểm bắt buộc. Tại khoản 3 Điều 8 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: “Căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định loại hình bảo hiểm bắt buộc khác”. Theo quy định này, nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định bảo hiểm trong hoạt động xây dựng là bảo hiểm bắt buộc, Bộ Tài chính chưa có văn bản hướng dẫn thì chưa áp dụng Nghị định số 23/2009/NĐ-CP để xử phạt nhà thầu thi công xây dựng không mua bảo hiểm theo quy định.
Tài liệu đính kèm bài viết
Cong van 760.doc (Cong van 760_1305885651832.doc)Tải về

Nhãn:

Cấm phân lô bán nền: Cần có lộ trình

09:33 / Người đăng: Luật sư Lê Văn Huyên /

Việc xóa bỏ hình thức phân lô bán nền hiện đang gây "sốc" với các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
    Sau khi có thông tin Bộ Xây dựng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị và chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao cho khách hàng, không ít doanh nghiệp kinh doanh bất động sản choáng váng. 



    Khó khả thi?
    Theo ông Đào Văn Quang, phó tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Ba Đình, việc xóa bỏ hình thức phân lô bán nền sẽ gây khó cho toàn bộ hoạt động kinh doanh của các công ty kinh doanh bất động sản vừa và nhỏ, bởi các tập đoàn kinh doanh bất động sản lớn thường được các ngân hàng đứng sau bảo trợ tín dụng. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực này thường “tự bơi” tìm nguồn vốn, như huy động vốn trước từ người dân có nhu cầu đầu tư.
    Ông Quang cho hay, nếu kiến nghị trên được đưa vào thực tế thì thị trường bất động sản sẽ có biến động lớn và nguồn cung sẽ hẹp lại do các dự án triển khai không có nguồn vốn. Bên cạnh đó, việc cấm bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị và chủ đầu tư phải hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao cho khách hàng là rất khó khả thi, bởi nhiều hộ gia đình có nhu cầu thay đổi kiến trúc nội thất riêng. Ông Quang dẫn chứng, trong khu đô thị Ciputra mà gia đình ông đang cư ngụ, có đến 90% hộ thay đổi kiến trúc nội thất.
    Ông Bùi Văn Việt, giám đốc công ty cổ phần Huy Hoàng Land cũng cho rằng việc xóa hình thức phân lô bán nền và cấm bán nhà xây thô sẽ làm cho thị trường bất động sản dễ lâm vào nguy cơ “mất thăng bằng”, dự án đang triển khai sẽ đổ vỡ, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản sẽ phải gánh chịu đầu tiên. Trong khi đó, hầu hết các dự án bất động sản đang triển khai vốn đã được cơ quan chức năng và chính quyền thẩm định cho phép thực hiện thì các cơ quan này hầu như không có trách nhiệm gì. "Nhà nước không bao quát được bộ mặt đô thị mà cấm phân lô bán nền là biểu hiện của quản lý yếu kém và phi thực tế, bởi lẽ các dự án đều qua khâu thẩm định của cơ quan nhà nước quản lý lĩnh vực này”, ông Việt bức xúc nói. Ông Việt cũng đề xuất khi dự án đã được quy hoạch xong, nên cho phân lô bán nền kèm những ràng buộc cụ thể. Điều này sẽ giải quyết được phần nào nhu cầu bức xúc về nhà ở của người dân và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
    Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Mạnh Hà, cục trưởng cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (bộ Xây dựng), hiện có tình trạng hàng loạt dự án ở các thành phố được xây dựng nhưng không hình thành được đô thị. Ông Hà dẫn chứng tại Hà Nội và Bắc Ninh có nhiều biệt thự hàng tỷ đồng để hoang, xây thô xong rồi phơi nắng, gây mất mỹ quan đô thị. “Nếu để chia lô, bán nền tiếp thì doanh nghiệp có lợi nhưng phát triển đô thị không thành”, ông Hà phân tích.
    Cũng theo ông Hà, thời gian tới bộ Xây dựng sẽ đưa ra một số giải pháp như quy hoạch đủ quỹ đất để phục vụ nhu cầu phát triển nhà ở; rà soát tình hình sử dụng đất của các dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị mới, thu hồi đất đã giao nhưng sử dụng không đúng quy định hoặc quá thời hạn mà không triển khai thực hiện.
    Nên theo lộ trình
    Theo một số nhà kinh doanh bất động sản tại Hà Nội, việc bộ Xây dựng đề xuất tiến tới chấm dứt sử dụng tiền mặt trong các giao dịch bất động sản, nhất là đối với các hợp đồng huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, giao dịch thuê nhà ở thì nên theo lộ trình.
    Ông Đào Văn Quang cho rằng đề xuất này chưa nên áp dụng ngay vì phần lớn người dân chưa có thói quen giao dịch thanh toán qua ngân hàng. Ông cho rằng để áp dụng phương thức này thì ngân hàng phải đổi mới phương thức giao dịch và giảm bớt các loại phí. Việc chấm dứt các hợp đồng huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai cũng phải có lộ trình, vì hiện nay các doanh nghiệp Việt Nam chưa có đủ sức nếu không có sự trợ giúp từ nguồn vốn của các nhà đầu tư, trong khi ngân hàng đang siết chặt cho vay bất động sản.
    Ông Phạm Sĩ Liêm, phó chủ tịch tổng hội xây dựng Việt Nam cũng đồng tình việc cần có lộ trình để người dân làm quen với phương thức thanh toán mới, vì ngay chuyện trả lương qua thẻ ATM hiện nay vẫn còn lình xình về các loại phí khiến người dân nảy sinh tâm lý lo ngại. Việc chấm dứt các hợp đồng huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, nhà nước phải hoàn thiện khung pháp lý, hạn chế rủi ro cho người dân và doanh nghiệp tham gia thị trường bất động sản. Theo ông Liêm, trong tình trạng hiện nay, nhà nước cần khẩn trương nghiên cứu ban hành chính sách thuế đủ mạnh để hạn chế tình trạng đầu cơ nhà đất mà không đưa vào sử dụng, gây lãng phí và làm mất mỹ quan đô thị. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải rà soát pháp luật về đất đai để đơn giản và minh bạch trong trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, chống đầu cơ, lũng đoạn thị trường. “Đừng để khi có những “bong bóng” bất động sản vỡ ra, cơ quan chức năng lại đổ lỗi cho các doanh nghiệp “ lách luật” là không được, vì luật là phải chặt chẽ”, ông Liêm nói.
    Theo Hữu Lực
    SGTT

    Nhãn:

    Bộ Xây dựng đề nghị xóa hình thức phân lô, bán nền

    13:05 / Người đăng: Luật sư Lê Văn Huyên /


    Chiều 12.5, bộ trưởng bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về tình hình thị trường bất động sản. Trong báo cáo này, bộ Xây dựng đưa ra một số giải pháp nhằm đưa thị trường bất động sản vào hoạt động một cách có trật tự.

    Theo nhận định của bộ Xây dựng, thị trường bất động sản đang phục hồi nhưng vẫn phát triển thiếu ổn định, không bền vững. Theo kết quả khảo sát của bộ này, giá bất động sản nói chung, trong đó giá nhà ở nói riêng tại các đô thị lớn là quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, cũng như vượt quá giá trị thực của bất động sản, giữa các địa phương giá cả bất động sản biến động không đồng đều.
    Theo Bộ Xây dựng, cơ cấu nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở chưa hợp lý, nhiều dự án nhà thấp tầng, biệt thự chiếm tỷ lệ lớn, trong khi chung cư cao tầng có tỷ lệ thấp

    Thị trường căn hộ cao cấp bão hòa

    Đánh giá của các chuyên gia, quản lý lĩnh vực xây dựng cho thấy, cơ cấu hàng hoá bất động sản còn thiếu cân đối khi hiện nay các doanh nghiệp chú trọng nhiều vào đầu tư loại nhà cao cấp. Đến nay, thị trường căn hộ cao cấp dần rơi vào bão hòa, nguồn cung loại nhà giá cao nhất là các chung cư cao cấp có thời điểm dư thừa, trong khi nguồn cung nhà giá thấp thì quá thiếu. Thị trường thiếu hàng hóa có quy mô và giá cả phù hợp với đa số nhu cầu của người dân, đặc biệt thiếu loại hình nhà ở cho thuê.

    Theo thống kê, loại hình nhà ở cho thuê/mướn chỉ chiếm 6,5% tổng số nhà ở trong cả nước, trong đó tỷ trọng nhà ở cho thuê tại khu vực đô thị là 13,6%. Nhà ở chung cư tại đô thị, nhất là các đô thị lớn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong các dự án phát triển nhà ở.

    Đánh giá về hiện tượng đầu cơ, kích giá, tâm lý mua bán theo “tin đồn”, “tâm lý đám đông”, bộ Xây dựng khẳng định các vi phạm trong kinh doanh bất động sản còn diễn ra phổ biến, như chủ đầu tư dự án nhà ở giao nhà chậm so với tiến độ, chất lượng không đảm bảo như thỏa thuận ban đầu, tự ý tăng giá nhà so với giá trong hợp đồng; nhiều dự án đã lách luật trong việc huy động vốn ứng trước của khách hàng thông qua hình thức hợp đồng góp vốn kinh doanh hoặc hợp đồng vay vốn đầu tư. Thậm chí có hiện tượng lừa đảo khách hàng khi huy động vốn vào các dự án không khả thi, dẫn đến khiếu kiện, tranh chấp căng thẳng giữa chủ đầu tư với khách hàng.

    Qua kiểm tra tình hình sử dụng nhà ở tại 18 dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới trên địa bàn Hà Nội, bộ Xây dựng kết luận: các căn hộ nhà chung cư cao tầng có tỷ lệ đưa vào sử dụng đạt xấp xỉ 100%, tỷ lệ nhà ở liền kề đưa vào sử dụng đạt 80% và tỷ lệ nhà biệt thự đưa vào sử dụng mới đạt 58%.

    Nguyên nhân của tình trạng này, theo bộ Xây dựng, cơ cấu nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở chưa hợp lý, nhiều dự án nhà thấp tầng, biệt thự chiếm tỷ lệ lớn, trong khi chung cư cao tầng có tỷ lệ thấp; phần lớn các dự án hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa được xây dựng đồng bộ, thiếu các công trình thiết yếu như trường học, nhà trẻ, chợ... hoặc không kết nối với hạ tầng chung của đô thị, giao thông đi lại khó khăn; hiện tượng đầu cơ, tích trữ tài sản còn phổ biến. Trong khi đó, các cơ quan quản lý các cấp thiếu sự kiểm tra hoặc không kiên quyết trong xử lý của các chủ đầu tư và đối với các trường hợp chậm tiến độ.

    Đề nghị xóa bỏ hình thức phân lô, bán nền

    Để chấn chỉnh thị trường bất động sản, không để thị trường bất động sản trở thành nhân tố tác động gây ra lạm phát cao và nền kinh tế “bong bóng”, bộ Xây dựng kiến nghị với Thủ tướng một số giải pháp quan trọng. Bộ này đề nghị sớm ban hành hệ thống tiêu chí cho vay bất động sản đối với các tổ chức tín dụng, tiến tới chấm dứt việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch bất động sản, nhất là đối với các hợp đồng huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, giao dịch thuê nhà ở để giảm áp lực tiền mặt và hạn chế rủi ro cho các bên tham gia.

    Ngoài ra, bộ này còn cho rằng, cần sớm nghiên cứu thành lập quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà, đồng thời nghiên cứu thí điểm mô hình quỹ đầu tư tín thác bất động sản để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, bộ Xây dựng còn cho rằng, cần có quy định để đảm bảo vốn đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bất động sản được đầu tư theo số vốn đăng ký, như quy định tỷ lệ hoàn thành công trình cao hơn mới được huy động vốn.

    Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương cần nghiêm túc thực hiện quy định về lựa chọn chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở thương mại bằng hình thức đầu thầu dự án theo quy định. Mở rộng phương thức Nhà nước tổ chức giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, sau đó đấu giá quyền sử dụng đất sạch để đảm bảo công khai minh bạch, loại bỏ hoàn toàn cơ chế “xin-cho” và đảm bảo khoản chênh lệch địa tô thu vào ngân sách.

    Đồng thời xóa bỏ hình thức chia lô, bán nền, bán nhà xây thô trong các dự án phát triển nhà ở tại đô thị, chủ đầu tư phải có trách nhiệm hoàn thiện nhà ở trước khi bàn giao cho khách hàng; xây dựng chế tài xử phạt các chủ đầu tư bán nhà xây thô và không thực hiện tốt việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ; nghiên cứu ban hành chính sách thuế đủ mạnh để hạn chế tình trạng đầu cơ nhà, đất mà không đưa vào sử dụng gây lãng phí và làm mất mỹ quan đô thị.

    Đáng chú ý, bộ Xây dựng cũng kiến nghị cần có quy định để đa dạng hóa các loại hình nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở, tăng tỷ lệ nhà chung cư cao tầng với quy mô diện tích căn hộ đa dạng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

    Theo đó tại Hà Nội và TP HCM, các dự án phát triển nhà ở phải có tỷ lệ nhà chung cư trên 80% và phát triển mạnh nhà ở cho thuê để đáp ứng nhu cầu của người dân.

    Theo SGTT

    Nhãn:

    Hợp đồng dân sự vô hiệu và hậu quả pháp lý

    16:39 / Người đăng: Luật sư Lê Văn Huyên /


    I-                   HẬU QUẢ PHÁP LÝ CỦA HỢP ĐỒNG DÂN SỰ VÔ HIỆU
    1.                  Hợp đồng dân sự vô hiệu khi:
    a)     Người tham gia giao dịch không có năng lực hành vi dân sự:
    -         Giao dịch dân sự vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện 
    Khi giao dịch dân sự do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Toà án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện.
    -         Giao dịch dân sự vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
    Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
    b)     Mục đích và nội dung của giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội;
    c)     Người tham gia giao dịch không hoàn toàn tự nguyện:
    -         Khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch vô hiệu. 
    Trong trường hợp một bên do lỗi cố ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch thì được giải quyết theo quy định tại Điều 132 của Bộ luật này.
    -         Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa thì có quyền yêu cầu Toà án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.
    Lừa dối trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.
    Đe dọa trong giao dịch là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của cha, mẹ, vợ, chồng, con của mình.
    d)     Vi phạm về hình thức hợp đồng khi nó là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng trong trường hợp pháp luật có quy định.
    Trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.
    e)     Vô hiệu do giả tạo:
    Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này.
    Trong trường hợp xác lập giao dịch giả tạo nhằm trốn tránh nghĩa vụ với người thứ ba thì giao dịch đó vô hiệu.
    Giao dịch dân sự vô hiệu từng phần khi một phần của giao dịch vô hiệu nhưng không ảnh hưởng đến hiệu lực của phần còn lại của giao dịch.
    2.                  Hậu quả pháp lý của hợp đồng dân sự vô hiệu:
    ·        Hợp đồng dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
    ·        Khi hợp đồng dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

    II-    HẬU QUẢ PHÁP LÝ CỦA HỢP ĐỒNG TRONG LĨNH VỰC BẤT ĐỘNG SẢN VÔ HIỆU
    Hợp đồng trong lĩnh vực bất động sản nói chung cũng vô hiệu do các nguyên nhân dẫn đến hợp đồng vô hiệu như hợp đồng dân sự đã phân tích trên.
    Toà án chỉ công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi hợp đồng đó có đầy đủ các điều kiện sau đây[1]:
    a.1.            Người tham gia giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất có năng lực hành vi dân sự;
    a.2.            Người tham gia giao kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoàn toàn tự nguyện;
    a.3.            Mục đích và nội dung của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không trái pháp luật, đạo đức xã hội;
    a.4.            Đất chuyển nhượng đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1987, Luật Đất đai năm 1993, Luật Đất đai năm 2003;
    a.5.            Bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có đủ điều kiện chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải có đủ điều kiện về nhận chuyển nhượng theo qui định của pháp luật;
    a.6.            Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất được lập thành văn bản có chứng nhận của Công chứng nhà nước hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

    Các trường hợp cụ thể:
    b.1.           Đối với hợp đồng được giao kết trước ngày 01/7/2004 vi phạm điều kiện được hướng dẫn tại điểm a.4  nêu trên, nhưng đã có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất được quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, mà có phát sinh tranh chấp, nếu từ ngày 01/7/2004 mới có yêu cầu Toà án giải quyết, thì không coi là hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều kiện này.
    b.2.           Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà tại thời điểm giao kết vi phạm các điều kiện được hướng dẫn tại điểm a.4 và điểm a.6 nêu trên, nhưng sau đó đã được Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 mà có phát sinh tranh chấp và từ ngày 01/7/2004 mới có yêu cầu Toà án giải quyết, thì không coi là hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều kiện này.
    b.3.           Đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vi phạm điều kiện được hướng dẫn tại điểm a.4 và điểm a.6 nêu trên, nếu sau khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng đã trồng cây lâu năm, đã làm nhà kiên cố... và bên chuyển nhượng không phản đối và cũng không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính theo các quy định của Nhà nước  về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, thì Toà án công nhận hợp đồng. Nếu bên nhận chuyển nhượng chỉ làm nhà trên một phần đất, thì Toà án công nhận phần hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng phần đất có nhà ở và huỷ phần hợp đồng đối với diện tích đất còn lại, buộc bên nhận chuyển nhượng giao trả phần đất đó cho bên chuyển nhượng, trừ trường hợp việc giao trả không bảo đảm mục đích sử dụng cho cả hai bên giao kết hợp đồng, đồng thời buộc các bên thanh toán cho nhau phần chênh lệch.

    Việc giải quyết hậu quả của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu:
    c.1.            Thời hạn yêu cầu Toà án tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và xử lý hậu quả của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu: tùy trường hợp hợp đồng vô hiệu mà thời hiệu là 02 năm hoặc là vô hạn.
    c.2.            Tương tư như hợp đồng dân sự vô hiệu, khi hợp đồng trong lĩnh vực bất động sản vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.
    Khi hợp đồng dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.
    c.3.            Xác định thiệt hại.
    -        Khi tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu thì Toà án cần xác định thiệt hại gồm:
    Khoản tiền mà bên chuyển nhượng phải bỏ ra để khôi phục lại tình trạng ban đầu của diện tích đất do bên nhận chuyển nhượng đã làm huỷ hoại đất; khoản tiền mà bên nhận chuyển nhượng đã đầu tư để cải tạo làm tăng giá trị quyền sử dụng đất, giá trị công trình, tài sản, cây lâu năm... trên đất. Trong trường hợp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không có thoả thuận khác về việc áp dụng biện pháp phạt vi phạm hợp đồng và bồi thường thiệt hại quy định tại Điều 379 Bộ luật Dân sự để bảo đảm thực hiện hợp đồng thì thiệt hại còn bao gồm khoản tiền chênh lệch giá trị quyền sử dụng đất do các bên thoả thuận với giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm xét xử sơ thẩm hoặc các thiệt hại khác, nếu có.
    -        Để xác định đúng các thiệt hại nói trên, Toà án phải tiến hành định giá giá trị quyền sử dụng đất và xác định thiệt hại về đất như sau:
    Nếu các đương sự không thoả thuận được về giá trị quyền sử dụng đất và giá trị thiệt hại, thì Toà án yêu cầu cơ quan chuyên môn định giá hoặc ra quyết định thành lập hội đồng định giá. Giá trị quyền sử dụng đất được xác định theo giá thị trường chuyển nhượng tại địa phương nơi đất đang tranh chấp đối với từng loại đất vào thời điểm xét xử sơ thẩm.
    Trong trường hợp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có quy định giá trị quyền sử dụng đất cụ thể phù hợp với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá thị trường tại địa phương hoặc các  trung tâm giao dịch bất động sản hoạt động hợp pháp có niêm yết giá giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại địa phương vào thời điểm xét xử sơ thẩm,  thì Toà án có thể căn cứ vào giá do Uỷ ban nhân dân quy định hoặc giá niêm yết của các trung tâm giao dịch để xác  định giá trị quyền sử dụng đất, mà không nhất thiết phải thành lập hội đồng định giá. Trong trường hợp này cần phải có căn cứ xác định giá quyền sử dụng đất do Uỷ ban nhân dân quy định hoặc giá quyền sử dụng đất do trung tâm giao dịch bất động sản niêm yết là hoàn toàn phù hợp với giá thị trường vào thời điểm xét xử sơ thẩm.
    -        Trách nhiệm chịu chi phí cho việc định giá do các đương sự phải chịu chi phí tương ứng với phần nghĩa vụ của họ. Trường hợp đương sự có yêu cầu định giá lại, thì người có yêu cầu phải tạm ứng trước chi phí cho việc định giá lại và Toà án sẽ quyết định ai phải chịu chi phí định giá tuỳ thuộc vào kết quả xét xử.



    [1] Điểm 2.3, khoản 2 Mục II Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP.

    Nhãn: