CBRE: Đã nhìn thấy tín hiệu tích cực cho thị trường BĐS

08:54 / Người đăng: Luật sư Lê Văn Huyên /

Ông Marc Townsend
Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, dự đoán FDI vào bất động sản sẽ tăng vọt và 2012 là năm kết thúc chu kỳ suy thoái của thị trường này.
Theo xu hướng phát triển của bất động sản, thị trường này thường "nóng" vào khoảng tháng 4 và tháng 11. Tuy nhiên, chu kỳ này đã không còn đúng với năm 2011. Ông có thể giải thích điều này?

- Ông Marc Townsend: Thường vào thời điểm cuối năm, một lượng tiền từ nước ngoài sẽ được gửi về Việt Nam. Trong đó, chiếm phần lớn là nguồn tiền từ Mỹ và châu Âu. Tuy nhiên, năm 2011 Mỹ và châu Âu đều chứng kiến cảnh kinh tế gặp khó khăn nên nguồn tiền gửi về cũng giảm. Thêm nữa, một số chỉ số kinh tế năm 2011 khiến người dân thất vọng và mất niềm tin, những tranh chấp liên quan đến nhà đất khiến người có nhu cầu thực chưa sẵn sàng chi tiền mua nhà.

Năm 2011 lượng cung đưa ra thị trường rất nhiều, người mua có nhiều lựa chọn để có một căn nhà hợp với nhu cầu. Chính vì thế, viêc họ không quá vội vàng để mua ngay vào cuối năm 2011 là điều dễ hiểu. Hơn nữa, một bộ phận người dân lại có tâm lý chờ xem giá có giảm hơn không nên cũng chưa sẵn sàng mua nhà. Chính vì thế, thị trường này đã chứng kiến cảnh ảm đạm vào cuối năm 2011.

Một vài điểm tích cực mà CBRE có thể đưa ra trong năm 2012?

- Năm 2011, thị trường bất động sản đã phải đối mặt với hàng loạt khó khăn, dòng tiền khan hiếm do những dòng vốn vào thị trường này bị hạn chế và người mua không còn hứng thú nữa.

Nhưng 2012 sẽ là một năm mà các công ty và cá nhân có thể đạt được lợi nhuận từ chính những cơ hội trên thị trường này. Bởi đây là thời điểm kết thúc chu kỳ suy giảm của thị trường.

Trên thị trường vẫn tồn tại nguồn cầu tiềm năng. Khi mà giá vàng đang ở mức kỷ lục và có những diễn biến phức tạp thì mọi người sẽ chuyển lợi nhuận từ kênh đầu tư vàng sang bất động sản. Trong khi đó, người tiêu dùng Việt Nam chưa phải đã hết tiền chi tiêu, khi mà doanh số bán ra của một vài dòng ô tô năm 2011 tăng mạnh so với năm 2010. Điều đó có thể kỳ vọng hoạt động mua bán trên thị trường bất động sản sẽ nhanh chóng được hồi phục.

Ngoài ra, thị trường tiếp tục chứng kiến các hoạt động mua bán sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực bất động sản trong vài năm tới. Thêm vào đó, lần đầu tiên trên thị trường được dự báo sẽ xuất hiện các thương vụ mua bán tài sản do chủ đầu tư gặp khó khăn về thanh khoản. Trong thời điểm này, việc bán đi một dự án bất động sản không phải là điều tận cùng của thế giới. Điều đó sẽ mang lại cơ hội cho cả người mua và người bán.

Mới chỉ đầu năm, những chỉ số trên thị trường chứng khoán đã có những tín hiệu tích cực, và theo dự báo của CBRE thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục khởi sắc vào thời điểm cuối năm. Đồng thời, lãi suất huy động được kỳ vọng giảm, và nguồn vốn FDI đầu tư vào bất động sản sẽ tăng gấp 3 lần so với năm 2011, với sự đón chào khoảng 20 nhà đầu tư nước ngoài.

Căn cứ vào đâu để CBRE có thể kỳ vọng năm 2012 vốn FDI đầu tư vào bất động sản Việt Nam tăng gấp 3 lần?

- Bản thân bất động sản có nhiều lực kéo và lực đẩy, có nhiều tín hiệu tốt hơn khi đầu tư vào các dự án bất động sản.

Trước đây, các giao dịch mua bán dự án được giữ kín, không có thông tin ra ngoài, thì bây giờ những thông tin chào bán dự án, giảm giá bán dự án được công bố rộng rãi hơn. Điều này khiến thị trường bất động sản ngày càng trở lên minh bạch hơn.

Các thông tin liên quan đến mảng thị trường cũng được nhận định, đánh giá tốt hơn từ phía người mua và cả người bán. Thời gian vừa qua, giá bất động sản đã giảm nhiều trên tất cả các mảng thị trường. Các chủ đầu tư trở nên thực tế hơn trong việc nhìn nhận khả năng thu hồi vốn, cũng như việc chuyển nhượng dự án của mình như thế nào; vì thế họ đưa ra giá chào bán thực tế hơn.

Khi giá bán kỳ vọng trên thị trường ngày càng trở lên thực tế hơn thì nhiều giao dịch dự báo sẽ được diễn ra, có thể là giữa các chủ đầu tư trong nước, giữa chủ đầu tư trong nước với nước ngoài. Từ đó có thể kỳ vọng lượng tiền đổ vào bất động sản sẽ tăng lên.

Đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài rất nhanh nhạy về thị trường Việt Nam, chính vì thế, khi có cơ hội họ sẽ không bỏ phí. Ngoài ra, chưa kể thời gian qua có các quỹ đầu tư lớn cũng bày tỏ sự quan tâm đến thị trường Việt Nam và đi kèm với những dự án lớn. Đây là tín hiệu tích cực của cuối năm 2011 và những ngày đầu năm 2012.

Một vài năm trước khi đưa ra lời khuyên đối với các chủ đầu tư, CBRE đã khuyên họ đầu tư vào căn hộ cao cấp, hạng sang. Tuy nhiên, thời gian này, những căn hộ thuộc phân khúc ấy đã không còn phù hợp trên thị trường. Ông nghĩ sao về điều này?

- CBRE rất cẩn trọng trong việc sử dụng ngôn từ, đặc biệt là hạng sang và cao cấp. Tuy nhiên, khái niệm này với nhiều người thì khác nhau. Có thể với người này thì là hạng sang, người kia là hạng thường. Trong chuyện này, việc sử dụng chữ và hiểu đúng là rất quan trọng.

Lời buộc tội từ phía các nhà đầu tư đã từng đầu tư phân khúc cao cấp, buộc chúng tôi phải lắng nghe để đưa ra định nghĩa rõ ràng hơn cho phân khúc này, để người đọc nhận biết dễ dàng hơn.

Thị trường Việt Nam là thị trường mới, nên khái niệm cao cấp càng mới với hầu hết nhiều người. Sản phẩm hạng sang, cao cấp còn rất là ít đối với thị trường này, Chính vì thế, trong những buối thuyết trình của tôi từ cách đây 2 năm, tôi đã không dùng từ hạng sang hay cao cấp.

Mặc dù nhiều chủ đầu tư gọi sản phẩm của mình là hạng sang và cao cấp. Trong khi đó, qua tiếp xúc CBRE thấy, phân khúc này chưa thật sự có sản phẩm theo đúng nghĩa cao cấp và hạng sang.

Theo ông, khó khăn trên thị trường năm 2012 với cả người mua và người bán là gì?

- Mỗi đối tượng đều có một cái khó khác nhau. Cái khó đối với chủ đầu tư là vấn đề nguồn vốn và tài chính, nó liên quan đến lạm phát, chi phí, vật liệu xây dựng cũng như việc vay vốn...

Còn đối với người mua nhà, lạm phát cũng ảnh hưởng lớn đến việc họ cân nhắc có nên chi tiền để mua hay không. Trước nguồn cung lớn với nhiều lựa chọn, cái khó của người mua nhà là họ luôn tự hỏi, đây đã phải là thời điểm thích hợp để mua nhà chưa và giá đã đến đáy chưa...

Theo Thoa Nguyễn
TBKTSG

Nhãn:

"Không khuyến khích sở hữu nhà cá nhân"

15:15 / Người đăng: Luật sư Lê Văn Huyên /

Cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp xây nhà cho thuê.
"Các quốc gia có tỷ lệ nhà cho thuê tới 80-90%, nhà sở hữu cá nhân rất ít. Nước ta đất chật người đông, chúng ta không khuyến khích sở hữu cá nhân vì không đủ đất làm nhà ở cho dân".
Tại cuộc họp Ban chỉ đạo trung ương về chính sách nhà ở và thị trưởng bất động sản sáng 14/2, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, trong chiến lược nhà ở cần chú trọng phát triển mạnh mẽ thị trường nhà cho thuê. Đây là mô hình của tương lai, đáp ứng nhu cầu nhà ở của xã hội.

"Nhu cầu nhà ở hiện rất lớn song số thuê rất thấp, chỉ đạt 11% ở Hà Nội và TP HCM. Nếu cứ thế này thì không thể đáp ứng được chỗ ở. Các bộ ngành cần có đột phá về huy động nguồn vốn để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng nhà cho thuê", Phó thủ tướng nhận xét. 
Phó thủ tướng yêu cầu các cơ quan chức năng đề xuất cơ chế, soạn thảo nghị định xây dựng nhà ở cho thuê, để có các doanh nghiệp chuyên sâu xây dựng loại nhà này, cung cấp các dịch vụ để người dân yên tâm thuê nhà.
Theo chiến lược nhà ở, từ nay đến năm 2015, nhà chung cư sẽ chiếm 80% trong các dự án nhà ở tại Hà Nội và TP HCM. Trong đó, nhà cho thuê sẽ được chú trọng phát triển với nhiều ưu đãi để chiếm 20% tổng số căn hộ. Nhà nước sẽ đầu tư xây chung cư cho thuê hoặc thuê mua bằng ngân sách, đồng thời ban hành chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây nhà cho thuê, nhà thu nhập thấp.
Để thực hiện được việc này, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu đề án nhà ở cho thuê. Trước đó tháng 11/2011, cơ quan này đã đề xuất Thủ tướng cho phép chuyển nghiên cứu đề án nhà ở cho thuê sang nghiên cứu nghị định về phát triển và quản lý nhà thuê, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà cho thuê.
Theo Đoàn Loan
Vnexpress

Nhãn:

"'Không sửa luật đất đai, sẽ còn nhiều vụ Tiên Lãng"

13:44 / Người đăng: Luật sư Lê Văn Huyên /

"Vụ Tiên Lãng cho thấy người nông dân đầu tư rất nhiều công sức, tiền của vào đất để tạo lợi nhuận, khi bị thu lại thì họ không còn cửa sống và liều lĩnh phản kháng", ông Đặng Hùng Võ cho biết.
-  Sau vụ Tiên Lãng, nhiều người đã nhìn ra sự bất cập về thời hạn giao đất trong Luật Đất đai. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?
- Bất cập lớn nhất của Luật Đất đai đúng là nằm ở thời hạn sử dụng đất. Luật Đất đai 1993 đưa ra chế định về thời hạn cho đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản là 20 năm, đất trồng cây lâu năm và rừng sản xuất là 50 năm. Như vậy cứ hết hạn thì xã hội nông thôn sẽ náo loạn vì chuyện phải xin được giấy chứng nhận sử dụng đất hiệu quả để được tiếp tục sử dụng đất. Điều đó dẫn tới nguy cơ về tham nhũng, nguy cơ về lộn xộn, khó khăn cho người nông dân.
Đấy là phức tạp mà khi xây dựng Luật Đất đai 2003 đã nhìn ra, nhưng lúc đó ý tưởng giải quyết khi hết thời hạn giao đất là khác nhau. Một luồng ý tưởng cho rằng hết thời hạn phải chia lại vì mặt bằng lao động đầu và cuối thời hạn khác nhau, lực lượng lao động khác nhau (có người chết đi, người sinh ra, người chuyển đi nơi khác…).
Luồng ý kiến thứ hai, hết thời hạn đương nhiên tiếp tục kéo dài, thậm chí kéo tới vô hạn. Tất nhiên tiếp tục kéo dài thì chuyện đặt thời hạn là vô nghĩa. Kéo dài thời hạn cũng chỉ là "hoãn binh chi kế". Hai luồng ý kiến này ngẫu nhiên tỷ lệ rất ngang nhau, chính vì vậy không quyết định được hết thời hạn thì sẽ làm gì khi xây dựng Luật Đất đai 2003.
Gần 10 năm qua, người nông dân rất lo lắng. Đáng nhẽ chúng ta phải đi đến cùng của sự việc và phải có phán quyết gì đấy về xử lý thời hạn trong luật 2003.
- Là người ủng hộ phương án xóa thời hạn, ông nghĩ như thế nào về việc cần sớm điều chỉnh thời hạn giao đất trong Luật Đất đai để tránh lặp lại vụ việc đáng tiếc?
- Nhiều người đưa ra ý kiến thảo luận nhưng thực tế họ không sống ở nông thôn, không hiểu người nông dân và không hiểu nông dân đang cần gì. Sự thực nông dân cần đất, cần sự ổn định dài hạn. Người ta sẽ bỏ tiền đầu tư, vay tiền đầu tư thậm chí tìm mọi cách để đầu tư làm sao để có năng suất và sản lượng cao. Đấy là suy nghĩ của người nông dân ham làm nông nghiệp.
Nếu chúng ta chỉ đứng trên phương diện thảo luận vĩ mô về sự công bằng thì sẽ không thấy được điều đó. Từ vụ Tiên Lãng, chúng ta thấy rằng một người nông dân đầu tư rất nhiều công sức, tiền của vào đất để tạo lợi nhuận mà thu lại thì họ làm gì còn cửa để sống. Khi không còn cửa để sống thì họ phải liều lĩnh trong hành vi phản kháng. Đấy là cảnh mà chính quyền đã dồn người nông dân vào cùng quẫn. Nếu không xử lý tốt thì tôi tin là còn nhiều vụ Tiên Lãng sẽ xảy ra. Lúc này, vụ Tiên Lãng là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người còn lơ mơ trong tư duy về mục tiêu xây dựng pháp luật đất đai, chưa hiểu rõ nông dân đang cần gì. Khẩu hiệu "người cày có ruộng" của Đảng ta từ năm 1930 vẫn đang rất thời sự trên các cánh đồng nước ta.
- Như ông nói, phương án chia lại đất đảm bảo sự công bằng về sử dụng đất nông nghiệp, tại sao không được thống nhất?
- Phương án này có thể đảm bảo được sự công bằng về sử dụng đất nông nghiệp, đảm bảo được quỹ đất nông nghiệp cứ một thời gian ngắn thì dàn đều. Tuy nhiên, cách làm như vậy có rất nhiều cái hại. Thứ nhất là liên tục cứ 20 năm, 50 năm lại làm cải cách ruộng đất một lần. Cái đó gây náo loạn nông thôn nhiều hơn là việc lấy giấy xác nhận sử dụng đất có hiệu quả. Chia lại thì có hệ quả là tham nhũng còn nhiều hơn việc xin giấy xác nhận sử dụng đất có hiệu quả vì có đất tốt, đất xấu, đất gần thủy lợi, xa thủy lợi…
Cái hại thứ hai là không khuyến khích được đầu tư. Ai cũng nhăm nhăm nếu mình có được đất thì cũng chỉ có được 20 năm, 50 năm. Trong thời hạn, người ta sẽ cố gắng vét cạn, vắt kiệt sức của đất, mặc kệ người dùng tiếp theo tính thế nào thì tính. Như vậy, năng suất và sản lượng không bao giờ nâng cao được, động lực sử dụng đất nông nghiệp cạn dần còn đất đai không có đầu tư và bồi bổ nên chẳng mấy chốc mà thành xơ xác.
Đối với phương án thứ hai, gia hạn tự động, ai có thế nào thì hết thời hạn cứ tự động chuyển sang thời hạn tiếp theo. Phương án này tương đương xóa thời hạn. Còn nếu làm theo cách tiếp tục tăng thời hạn dài hơn, chưa cần tính đến hết thời hạn làm gì thì đó là một giải pháp "cải lương". Cuối cùng thì chúng ta vẫn phải trả lời câu hỏi "hết thời hạn chúng ta làm gì?".
Tôi cho rằng phương án đúng hơn cả là hãy xóa bỏ thời hạn. Xóa thời hạn thì được cái lợi cơ bản là người nông dân có tâm lý ổn định, dám đầu tư dài hạn, đầu tư lớn. Người nông dân dám đầu tư để nâng thật cao năng suất, sản lượng nhằm làm giàu trên đất đai. Chắc chắn đây là cách thức để ta tạo được động lực mới trong nông nghiệp, nông thôn và cho nông dân.
- Nhưng nếu thực thi phương án xóa thời hạn, chúng ta sẽ phải đối mặt với nạn đầu cơ đất, phân hóa giàu nghèo... Ông nghĩ sao?
- Tất nhiên, nhiều ý kiến đặt ra là những tiêu cực kèm theo có thể có. Ví dụ, nếu bỏ thời hạn thì tạo điều kiện cho đầu cơ đất đai, sẽ hình thành lớp “địa chủ” mới, sẽ cũng làm những việc trước đây giai cấp địa chủ trong các chế độ phong kiến từng làm. Hoặc có thể tạo ra những người có đất nhưng không đưa vào sử dụng mà mang tính chất đầu cơ sinh lợi, chờ giá đất lên… Có thể xảy ra tình trạng phân hóa giàu nghèo ngay trong khu vực nông thôn.
Nhưng phải nhìn nhận là nhược điểm ấy có thể dùng thời hạn để khống chế được không? Khi người giàu có tiền để "đút lót" lấy được giấy xác nhận về sử dụng đất có hiệu quả thì họ cũng vượt qua được thời hạn để tiếp tục sử dụng. Vì vậy, với việc đưa ra thời hạn chưa chắc chúng ta quản lý được việc không hình thành lớp “địa chủ mới”. Chúng ta nên dùng các chế tài khác tốt hơn như đánh thuế cao người không trực tiếp sản xuất mà có nhiều đất, đánh thuế cao vào người có đất nhưng không sử dụng, thậm chí có thể "sung công" đất đối với người có hành vi phát canh thu tô...
- Nếu đất đã giao ổn định lâu dài thì những người sinh sau đẻ muộn lấy đâu ra đất để sản xuất?
- Tôi có thể giải thích ngay, hiện 70% dân số chúng ta sống dựa vào nông nghiệp. Thế nhưng khi ta trở thành nước công nghiệp thì nhiều nhất chỉ còn 50% ở nông thôn. Khi là nước công nghiệp phát triển thì dân số ở nông thôn chỉ còn 10% là cùng. Vậy thì chúng ta đừng bắt con em nông dân phải là nông dân tiếp. Chúng ta hãy nghĩ đến việc đào tạo con em nông dân không làm nông dân nữa mà chuyển sang làm ở lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ.
Bây giờ chúng ta đang ép dân số ở khu vực nông thôn từ 70% xuống còn 30% trong những năm 2020-2030 theo lộ trình đô thị hóa. Tất nhiên, một số con em nông dân làm nông nghiệp giỏi thì phải khuyến khích tiếp tục làm nông nghiệp...
Ảnh: Nguyễn Hưng.
Ông Đặng Hùng Võ: "Nếu không xử lý tốt thì tôi tin là còn nhiều vụ Tiên Lãng sẽ xảy ra". Ảnh: Nguyễn Hưng.
- Hình thức giao đất lâu dài cho nông dân có thể mâu thuẫn với quy định đất đai là sở hữu toàn dân”. Ông nghĩ sao về điều này?
- Chúng ta đã thực hiện những bước đổi mới rất mạnh dạn, đó là việc giao đất của hợp tác xã cho hộ nông dân. Chính sách này đã không chỉ giúp đất nước thoát khỏi cảnh thiếu ăn mà còn đưa nước ta lên hàng đầu thế giới trong xuất khẩu gạo. Thực chất, chính sách này không đúng với mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa. Nhưng chúng ta đã dám quyết định thì tại sao lại không dám đổi mới những cái tiếp theo? Sự thực chúng ta đã phát triển và vượt lên được khi chúng ta giao đất của hợp tác xã cho hộ gia đình, cá nhân. Đấy là quyết định mà ai cũng thấy đúng.
Khi kỷ niệm ngày sinh của đồng chí Võ Chí Công, chúng ta thường nhắc đến đây là công rất lớn của đồng chí. Chúng ta thấy lý luận chúng ta đúng vì hình thức hợp tác xã không phù hợp với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất hiện tại. Cũng như bây giờ tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất hiện nay đang cần được giao đất lâu dài mới tạo được động lực tiếp theo cho nông nghiệp. Điều đó là đúng chứ không có gì khác với giao đất cho hộ gia đình trước đây.
Còn chuyện đất đai sở hữu toàn dân và giao đất là hai chuyện có thể coi là độc lập theo một nghĩa nhất định. Một mặt chúng ta nói “đất đai là sở hữu toàn dân” mà chúng ta vẫn cho người sử dụng đất ở thời hạn vĩnh viễn, vẫn cho người sử dụng đất được thực hiện là 7 quyền. Chỉ riêng chuyện ấy đã là trái ngược với sở hữu toàn dân rồi. Chúng ta thấy sở hữu toàn dân thuộc phạm trù hình thức, còn việc giao đất lâu dài, giao quyền cho người sử dụng đất thuộc phạm trù nội dung. Đất ở bây giờ chúng ta giao lâu dài, vậy tại sao lại khó khăn khi hạn chế thời hạn đối với đất nông nghiệp?
- Với điều kiện hiện tại của Việt Nam, để chuyển sang phương án giao đất lâu dài, cần làm gì để tránh các bất cập?
- Tôi cho rằng chúng ta đưa ra song hành chính sách giao lâu dài với rà soát lại mặt bằng sử dụng đất ở nông thôn hiện nay. Ai là người có đất mà không sử dụng, chúng ta có thể đưa ra cơ chế như chuyển nhượng bắt buộc cho những người trực tiếp sản xuất có nhu cầu mở rộng đất sản xuất, chuyển nhượng có thể thông qua đấu giá. Tất nhiên, đã quyết định sử dụng đất nông nghiệp không thời hạn thì không còn chế độ Nhà nước giao đất không thu tiền nữa.
Cơ chế chuyển nhượng bắt buộc là bảo đảm tính mềm dẻo. Theo Luật Đất đai hiện hành thì chúng ta phải thu hồi đất không sử dụng. Còn những người đang sử dụng đất nông nghiệp không do được Nhà nước giao hoặc được Nhà nước công nhận thì cũng chỉ được sử dụng theo đúng thời hạn của các văn bản gốc.
- Với quá trình như vậy, trong bao nhiêu năm có thể hoàn tất để xã hội nông thôn ổn định sản xuất?
- Tôi cho rằng nếu tích cực quản lý xã hội nông thôn thì chỉ trong vòng 5 năm chúng ta có thể giải quyết được 80% những bất cập trong quá trình chuyển đổi. Trong 10 năm chắc chắn chúng ta giải quyết được hoàn toàn. Tôi tin là như vậy, nhưng tất nhiên với điều kiện là các chính sách phải được thực hiện triệt để, địa phương không được làm "méo mó" các chính sách đã đưa ra trong luật.
Theo Nguyễn Hưng
VnExpress

Nhãn: