Thu nhập dưới 9 triệu đồng được miễn thuế hết năm 2012

08:27 / Người đăng: Luật sư Lê Văn Huyên /

Quốc hội chiều nay đồng ý miễn thuế thu nhập cá nhân trong vòng 6 tháng cho người đang nộp thuế ở bậc một. Đề xuất miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế khoán cũng được thông qua.

Đây là 2 quyết sách quan trọng nằm trong Nghị quyết về một số chính sách thuế tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân được Quốc hội thông qua với tỷ lệ ủng hộ 95,79%, trong phiên bế mạc kỳ họp thứ III chiều 21/6.

Theo đó, các cá nhân có thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và từ kinh doanh đến mức phải chịu thuế thu nhập cá nhân ở bậc 1 (có thu nhập tính thuế đến 5 triệu, chiếm khoảng 73% số người đang nộp thuế hiện nay) sẽ được miễn trong vòng 6 tháng cuối năm. Điều đó cũng có nghĩa, các cá nhân không có người phụ thuộc sẽ được miễn thuế từ tháng 7 đến hết năm nếu thu nhập của họ dưới 9 triệu đồng. Nếu có người phụ thuộc, ngưỡng chịu thuế cũng sẽ tính thêm phần giảm trừ gia cảnh.

Số người có thu nhập chịu thuế ở bậc 1 đang chiếm 73% nhưng phần thuế thu được chỉ chiếm tỷ trọng 10,06%.

Ngoài ra, nghị quyết Quốc hội cũng cho giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (không bao gồm doanh nghiệp kinh doanh xổ số, bất động sản, chứng khoán, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, sản xuất hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp được xếp hạng 1, hạng đặc biệt thuộc tập đoàn kinh tế, tổng công ty).

Việc miễn thuế này cũng dự kiến được áp dụng với các đơn vị sử dụng nhiều lao động (sản xuất, gia công, chế biến: nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử, xây dựng công trình hạ tầng kinh tế - xã hội).

Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau của đại biểu xung quanh khả năng tác động, tính công bằng… nhưng dự thảo nghị quyết vẫn đề cập đến việc miễn thuế khoán (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) và thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2012 đối với hộ, cá nhân kinh doanh nhà trọ, phòng trọ cho công nhân, người lao động, sinh viên, học sinh thuê, hộ - cá nhân giữ trẻ, cung ứng suất ăn ca… Điều kiện kèm theo đối với các hộ - cá nhân này là phải giữ ổn định giá dịch vụ trong năm 2012.

Cùng với Nghị quyết 13 của Chính phủ trước đó, văn bản lần này của Quốc hội được xem là bước đi tích cực của cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất – kinh doanh. Theo nghị quyết của Chính phủ, các giải pháp về thuế cũng được chú ý khi cơ quan hành pháp cho phép gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) quý II/2012 đối với doanh nghiệp nhỏ - vừa và doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động.

Các giải pháp thuế được kỳ vọng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn hiện nay. Ảnh minh họa: Hoàng Hà

Chính phủ cũng gia hạn 9 tháng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào Ngân sách của các đối tượng doanh nghiệp nêu trên, đồng thời giảm 50% tiền thuê đất của năm 2012 đối với tổ chức kinh tế hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Các chủ đầu tư dự án đang có khó khăn về tài chính cũng được gia hạn nộp tiền sử dụng đất tối đa 12 tháng…

Đề xuất miễn 6 tháng thuế thu nhập cá nhân bậc một không có trong tờ trình ban đầu của Chính phủ. Tuy nhiên, sau nhiều góp ý của các đại biểu Quốc hội, quyết sách này đã được đưa vào nghị quyết và được Quốc hội thông qua. Theo báo cáo giải trình tiếp thu dự thảo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, thăm dò bằng văn bản trước phiên biểu quyết đối với trên 360 đại biểu, tỷ lệ đồng ý với quyết định này là 85%, trong khi chỉ có khi chỉ có 55 đại biểu chưa thống nhất.

Do vậy, Quốc hội đã quyết định đưa ra chủ trương này với 3 lý do là kích thích tiêu dùng (do lương tối thiểu hiện vẫn được đánh giá là thấp so với mặt bằng giá cả), thể hiện sự quan tâm, động viên của Nhà nước. Đồng thời, hiện số người nộp thuế bậc một chiếm hơn 70% nhưng chỉ đóng góp khoảng 10% vào nguồn thu. Do vậy, việc miễn thuế cho đối tượng này chỉ làm giảm thu ngân sách khoảng 1.900 – 2.000 tỷ đồng, không tác động lớn đến cân đối chi tiêu.

Việc miễn thuế thu nhập cá nhân từng được áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2009 để đối phó với những khó khăn của suy giảm kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, quy mô đợt miễn giảm lớn hơn so với hiện nay (thực hiện đối với tất cả các bậc thuế). Tổng số tiền được miễn tại thời điểm đó, theo tổng kết của Bộ Tài chính, lên tới gần 5.500 tỷ đồng.

Tại kỳ họp lần này, một số ý kiến đại biểu cũng đề xuất giảm 50% thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một số hàng hóa, dịch vụ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm giá bán. Tuy nhiên, theo Thường vụ Quốc hội, việc giảm thuế này không đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ giảm giá, trong khi ngân sách chưa có nguồn bù đắp. Do vậy, nội dung giảm VAT chưa được đưa vào nghị quyết lần này.

Biểu thuế thu nhập cá nhân hiện hành

Nhật Minh

Nhãn:

Từ tháng 5/2013, lao động nữ được nghỉ thai sản 6 tháng

09:56 / Người đăng: Luật sư Lê Văn Huyên /


Chiều 18/6, Quốc hội họp toàn thể tại hội trường để biểu quyết thông qua 4 Luật, 1 Bộ luật. Trong đó, Bộ luật Lao động sửa đổi được nhiều người quan tâm với những quy định tiến bộ về tuổi nghỉ hưu, mức lương tối thiểu, chế độ nghỉ thai sản, tiền làm thêm giờ và số giờ làm thêm của người lao động…

Theo đó, tiền lương làm thêm giờ của người lao động không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong 1 ngày, trong trường hợp áp dụng quy định làm việc theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 30 giờ trong 1 tháng và tổng số không quá 200 giờ trong 1 năm, trừ một số trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định thì được làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 1 năm.

Về một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm là thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ, Luật quy định lao động nữ được nghỉ trước và sau khi sinh con 6 tháng. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 2 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 1 tháng. Thời gian nghỉ trước khi sinh tối đa không quá 2 tháng.

Lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày Bộ luật này có hiệu lực, mà đến ngày 1/5/2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006 thì thời gian nghỉ thai sản được thực hiện theo quy định của Bộ luật này.

Về quy định tuổi nghỉ hưu, Quốc hội vẫn giữ nguyên độ tuổi là 55 với nữ và 60 tuổi với nam như quy định hiện hành. Theo đó, người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.

Với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm các công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo thuộc danh mục do Chính phủ quy định có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với quy định trên đây.

Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 năm so với quy định trên đây.

Một số ý kiến đề nghị cần xây dựng lộ trình tăng dần tuổi nghỉ hưu của cả lao động nam và nữ, đồng thời tính toán đầy đủ hơn các yếu tố liên quan đến vấn đề cân bằng Quỹ Bảo hiểm xã hội trong tương lai. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến này và đề nghị Chính phủ giao cho các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Quốc hội điều chỉnh tuổi nghỉ hưu khi có đủ điều kiện.

Bộ Luật lao động sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/5/2013.

Cũng trong chiều 18/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Bảo hiểm tiền gửi, Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Luật Phòng, chống rửa tiền, Luật Giáo dục đại học.

Theo Lê Sơn
Chinhphu.vn

Nhãn:

Tiền SDĐ ngoài hạn mức tại TP.HCM: Cao và thiếu công bằng

09:57 / Người đăng: Luật sư Lê Văn Huyên /



Dự thảo mới nhất về thu tiền sử dụng đất (SDĐ) ngoài hạn mức tại TP.HCM đề xuất hệ số tối đa lên đến 4,5 lần bảng giá đất áp dụng đối với trường hợp chuyển mục đích SDĐ. Hệ số này được đánh giá là quá cao.


Phân biệt đối xử
 

Theo đề xuất của liên sở do Sở Tài chính chủ trì, địa bàn TP.HCM sẽ áp dụng đến 4 hệ số điều chỉnh tiền SDĐ cho phần diện tích đất ở vượt hạn mức của hộ gia đình, cá nhân. Với trường hợp công nhận quyền SDĐ (cấp giấy chủ quyền), toàn bộ phần vượt hạn mức ở sẽ nộp tiền SDĐ theo hệ số K = 2 lần bảng giá đất. Riêng trường hợp chuyển mục đích SDĐ, liên sở đề xuất 3 hệ số K tương ứng với 3 khu vực và đều ở mức cao. Trong đó, khu vực 1 (gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Phú Nhuận, Tân Bình) có hệ số K = 4,5. Khu vực 2 (gồm các quận 2, 6, 7, 8, 9, 12, Bình Thạnh, Tân Phú, Gò Vấp, Bình Tân) hệ số = 4. Khu vực 3 gồm các huyện còn lại có hệ số K = 3,5.

Theo lý giải của liên sở, các hệ số K như trên đã phản ánh tương đối chính xác tỷ lệ chênh lệch giữa giá thị trường và giá đất do TP ban hành. Các sở, ngành đã căn cứ trên 3 nguồn thông tin về giá chuyển nhượng thực tế để xác định hệ số K của từng quận, huyện. Đó là thông tin của các đơn vị tư vấn khi lập bảng giá đất năm 2008; thông tin về giá đất ở trên thị trường đã được TP phê duyệt khi nhà nước thu hồi đất và duyệt bán nhà thuộc sở hữu nhà nước theo cơ chế hai giá vào các năm 2010, 2011, 2012; thông tin do Sở Tài chính thu nhập vào năm 2012 qua báo chí, sàn giao dịch và khảo sát thực tế. Đối với trường hợp chung một tuyến đường giáp ranh giữa 2 quận, huyện nhưng lại có 2 hệ số K khác nhau, dự thảo đề nghị chọn hệ số thấp hơn để tính tiền SDĐ cho người dân.

Luật sư Huỳnh Văn Nông - Đoàn luật sư TP.HCM - nhận xét, quy định hệ số K đối với phần đất vượt hạn mức sẽ tạo thuận tiện hơn so với quy định trước đó là yêu cầu thẩm định sát giá thị trường với từng trường hợp đất ở của dân. Tuy nhiên, yêu cầu trường hợp chuyển mục đích phải đóng tiền SDĐ quá cao so với trường hợp cấp giấy chủ quyền sẽ là một sự phân biệt đối xử, tạo ra tình trạng bất công lớn trên thực tế. Bởi hiện nay các trường hợp được chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất ở chủ yếu là các mảnh đất nông nghiệp nằm xen cài trong các khu dân cư. Nếu quy định hệ số K quá chênh lệch, sẽ dẫn đến trong cùng một khu vực, người dân phải đóng tiền SDĐ chênh lệch quá nhiều cho những mảnh đất có giá trị như nhau.

Luật sư Nông dẫn chứng một ví dụ: Một người sở hữu 1.000 m2 đất nông nghiệp từ lâu nhưng không chịu đi làm giấy chứng nhận quyền SDĐ cho đất nông nghiệp, sau đó họ xây nhà trái phép và tiến hành thủ tục hợp thức hóa thì toàn bộ vượt hạn mức chỉ phải đóng gấp 2 lần bảng giá đất. Trong khi đó, người khác chấp hành nghiêm chỉnh quy định (xin cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ cho đất nông nghiệp), nay xin chuyển mục đích SDĐ sang đất ở thì phải nộp gấp từ 3,5 - 4,5 lần bảng giá đất.


Vượt khả năng tài chính của dân

Nếu hệ số 3,5 - 4,5 lần bảng giá đất được thông qua sẽ tạo gánh nặng tài chính rất lớn cho người dân có nhu cầu chuyển mục đích SDĐ. Chẳng hạn, trường hợp của ông Nguyễn Minh Hồng nộp hồ sơ xin chuyển mục đích SDĐ cho khu đất hơn 400 m2 tại đường Dương Bá Trạc (Q.8) nhưng bị ách tắc gần 3 năm qua. Nay với hệ số 4 lần bảng giá đất áp dụng cho khu vực Q.8, dự kiến ông Hồng sẽ phải đóng tiền SDĐ lên đến 14,5 tỉ đồng (trong đó hơn 2 tỉ đồng cho phần đất trong hạn mức và 12,5 tỉ đồng cho phần đất vượt hạn mức). “Nếu bắt đóng tiền SDĐ cao như vậy thì chẳng khác nào nhà nước bắt tôi bỏ tiền mua lại miếng đất ông bà để lại. Như vậy, dù TP có ban hành hệ số K thì tôi cũng không đủ tiền đóng thuế để xin tách thửa cho đứa con trai lấy vợ” - ông Hồng than thở.

Thực tế cho thấy, ngay cả với hệ số gấp đôi bảng giá đất áp dụng cho trường hợp cấp giấy chủ quyền đã được đánh giá là vượt khả năng tài chính của nhiều người dân. Đó là lý do sau khi Quyết định 64 của UBND TP.HCM (về hệ số điều chỉnh tiền SDĐ cho phần vượt hạn mức của hộ gia đình, cá nhân) có hiệu lực vào tháng 10.2011, hầu hết các chi cục thuế vẫn lâm vào cảnh “ế ẩm”, vì nhiều người dân dù đủ điều kiện đóng tiền SDĐ gấp 2 lần bảng giá đất nhưng vẫn không thể hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - thực tế bảng giá đất của TP không ngừng tăng qua các năm đồng nghĩa với gánh nặng tiền SDĐ của người dân cũng tăng. Nay nếu ban hành hệ số điều chỉnh quá cao, chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng người dân nợ thuế, hoặc mua bán giấy tay. “Việc thu thuế đối với phần đất ở ngoài hạn mức của người dân không nên kỳ vọng sát giá thị trường một cách tuyệt đối mà cần phải cân nhắc trên cơ sở hợp lý và công bằng. Với các trường hợp người dân đã mua bán, sang nhượng mảnh đất trước đó theo giá thị trường, nay phải đóng tiền SDĐ cũng theo giá thị trường thì chẳng khác nào bắt họ phải mua đất đến 2 lần. Chính sách thuế không nên tận thu mà cần tính tới các yếu tố an sinh xã hội, bởi nếu quy định mức thuế quá cao thì không khuyến khích người dân hợp thức hóa nhà đất, khiến giao dịch đình trệ, dễ nảy sinh tranh chấp và nguy cơ thất thu thuế cũng cao. Quy định thuế hợp lý sẽ có nhiều cái lợi, thị trường được khai thông, nhà cửa được xây dựng đúng phép, giao dịch trôi chảy, thay vì áp thuế cao mà không ai đóng thuế cả” - ông Châu góp ý.

Bộ Tài chính không phân biệt giữa cấp giấy chủ quyền và chuyển mục đích: Hoàn toàn không có cơ sở nào để bóc tách thành 2 trường hợp để yêu cầu người dân đóng 2 mức tiền SDĐ quá chênh nhau như vậy. Ngay cả Thông tư 93 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thu tiền SDĐ sát giá thị trường cũng giao TP ban hành hệ số K phù hợp với từng khu vực, chứ không phân biệt trường hợp cấp giấy chủ quyền và chuyển mục đích. Tôi cho rằng việc TP lo ngại tình trạng chuyển mục đích tràn lan, đầu cơ đất nông nghiệp... là không hợp lý. Bởi các cơ quan chức năng nắm đầy đủ các công cụ quản lý quy hoạch trong tay nên không cần đẩy cái khó về phía người dân bằng cách áp hệ số tiền SDĐ cao như vậy. 
Luật sư Huỳnh Văn Nông
Theo Phương Thanh
Thanh Niên

Nhãn: