Tính tiền sử dụng đất vượt hạn mức

08:59 / Người đăng: Luật sư Lê Văn Huyên /


Ngày 6-10, UBND TP.HCM tổ chức cuộc họp với các quận, huyện, sở, ngành về dự thảo hệ số điều chỉnh bảng giá đất để xác định tiền sử dụng đất cho phần diện tích vượt hạn mức đất của hộ gia đình, cá nhân.
Trước đó, vào đầu tháng 8, liên sở Tài chính, Xây dựng, TN&MT và Cục Thuế TP đã trình TP dự thảo theo hướng toàn bộ phần diện tích vượt hạn mức đất ở sẽ nộp tiền sử dụng đất gấp hai lần bảng giá đất, không phân biệt trường hợp công nhận quyền sử dụng đất hay chuyển mục đích sử dụng đất.

Được biết tại cuộc họp, nhiều ý kiến thống nhất không ban hành hệ số hai lần để áp dụng cho toàn bộ diện tích đất vượt hạn mức như tờ trình của liên sở. Cụ thể, hệ số hai lần chỉ được tính trong trường hợp công nhận quyền sử dụng đất và áp dụng cho phần diện tích vượt hạn mức đất ở nhưng chỉ tối đa bằng 50% hạn mức đất ở. Phần diện tích vượt hạn mức còn lại (nếu có) và trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất sẽ nộp theo giá thị trường. UBND quận, huyện được giao nhiệm vụ thuê đơn vị tư vấn thẩm định giá thị trường trên địa bàn và giá này sẽ ổn định trong vòng sáu tháng. Cách tính này được cho rằng sẽ tương đối sát với yêu cầu của Nghị định 69/2009 (tiền sử dụng đất nộp theo giá thị trường).

Ví dụ, ông A xin hợp thức hóa 300 m2 đất tại quận Gò Vấp và được công nhận, giờ nộp tiền sử dụng đất. Theo Quyết định 64/2001 của UBND TP.HCM về hạn mức đất ở, quận nội thành như Gò Vấp có hạn mức không quá 160 m2. Như vậy, ông A vượt hạn mức 140 m2. Nếu tính theo đề xuất mới, tiền sử dụng đất của ông A được tính như sau:
+ Phần trong hạn mức (160 m2) được nộp theo bảng giá đất.
+ Phần ngoài hạn mức (140 m2): Ông A được nộp 80 m2 (tức 50% của hạn mức đất ở) theo hai lần bảng giá đất. Phần diện tích đất vượt hạn mức còn lại (60 m2), ông A phải nộp theo giá thị trường.

Được biết Sở Tài chính được giao nhiệm vụ hoàn chỉnh lại dự thảo về hệ số điều chỉnh tiền sử dụng đất để trình Thường trực UBND TP xem xét trước khi TP ký ban hành.
Theo C.Tú
Pháp Luật TPHCM

Nhãn:

Tóm tắt một số VBPL có hiệu lực từ tháng 10/2011

09:06 / Người đăng: Luật sư Lê Văn Huyên /

1.                  Phòng, chống rửa tiền trong hoạt động kinh doanh bất động sản:
Ngày 16/10/2011, Thông tư số 12/2011/TT-BXD do Bộ Xây dựng ban hành ngày 01/9/2011 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 07/6/2005 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền đối với hoạt động kinh doanh bất động sản sẽ có hiệu lực thi hành. Theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản và kinh doanh dịch vụ bất động sản; tổ chức, cá nhân có liên quan đến kinh doanh bất động sản và kinh doanh dịch vụ bất động sản phải tuân thủ các quy định về phòng, chống rửa tiền trong hoạt động kinh doanh bất động sản như sau:
1.1             Xây dựng Quy chế nội bộ về phòng, chống rửa tiền.
1.2             Bố trí cán bộ hoặc thành lập bộ phân chuyên trách chịu trách nhiệm về phòng, chống rửa tiền.
1.3             Xây dựng quy trình tìm hiểu, nhận biết khách hàng.
1.4             Theo dõi và báo cáo các giao dịch tiền mặt (hoặc bằng ngoại tệ, bằng vàng có giá trị tương đương) có giá trị lớn.
1.5             Báo cáo các giao dịch đáng ngờ có dấu hiệu liên quan đến hoạt động rửa tiền.
1.6             Đào tạo về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản cho cán bộ và nhân viên liên quan đến giao dịch bất động sản.
1.7             Có quyền không thực hiện giao dịch bất động sản mà không phải chịu trách nhiệm pháp lý đối với những thiệt hại phát sinh từ việc này, đồng thời báo cáo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các trường hợp:
+       Các giao dịch có liên quan đến tổ chức, cá nhân thuộc danh sách cảnh báo liên quan đến hoạt động tội phạm do Bộ Công an cung cấp nhằm phòng ngừa và đấu tranh phòng chống rửa tiền theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 10 Nghị định 74/2005/NĐ-CP.
+       Khi có lý do để tin rằng giao dịch được yêu cầu thực hiện có liên quan tới hoạt động phạm tội;
+       Các giao dịch có liên quan đến hoạt động rửa tiền theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2.                  Cá nhân được mua ngoại tệ với mức 100USD/người/ngày:
Kể từ ngày 15/10/2011 khi Thông tư số 20/2011/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 29/8/2011 quy định việc mua, bán ngoại tệ tiền mặt của cá nhân với tổ chức tín dụng được phép thì:
2.1             Cá nhân là công dân Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt (là đồng tiền của nước nơi công dân Việt Nam đến hoặc ngoại tệ tự do chuyển đổi khác trong trường hợp không có đồng tiền của nước nơi công dân Việt Nam đến) tại tổ chức tín dụng được phép với hạn mức là 100 USD/người/ngày hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương trong khoảng thời gian lưu trú ở nước ngoài là 10 (mười) ngày để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu của bản thân và trẻ em chung hộ chiếu với cha hoặc mẹ, bao gồm tiền ăn, tiền tiêu vặt, tiền đi lại ở nước ngoài liên quan đến các mục đích sau:
+   Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài;
+   Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài.
2.2             Đối với các mục đích hợp pháp khác: trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài; trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài; chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài; chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài; các mục đích chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác thì cá nhân có thể mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép tùy theo khả năng cân đối nguồn ngoại tệ tiền mặt của tổ chức tín dụng.
2.3             Cá nhân là người nước ngoài có nguồn thu hợp pháp bằng đồng Việt Nam được mua ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép phù hợp với các quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.
2.4             Cá nhân bán ngoại tệ tiền mặt tại tổ chức tín dụng được phép và Đại lý đổi ngoại tệ của tổ chức tín dụng được phép theo quy định hiện hành về quản lý ngoại hối.

3.                  Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng cao nhất lên đến 2 triệu/tháng:
Mức lượng tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở công ty, doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động áp dụng từ ngày 01/10/2011 đến 31/12/2012 theo Nghị định số 70/2011/NĐ-CP ngày 22/8/2011 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 05/10/2011) và Thông tư số 23/2011/TT-BLĐTBXH ngày 16/9/2011 của Bộ Lao động Thương binh Xã hội (có hiệu lực từ ngày 31/10/2011) như sau: 
3.1             Mức 2.000.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I[1].
3.2             Mức 1.780.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II.
3.3             Mức 1.550.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III.
3.4             Mức 1.400.000 đồng/tháng áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên các địa bàn thuộc vùng IV.
3.5             Mức tiền lương thấp nhất trả cho người lao động đã qua học nghề (kể cả lao động do doanh nghiệp tự dạy nghề) phải cao hơn ít nhất 7% so với mức lương tối thiểu vùng nêu trên.

4.                  Miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp
Kể từ ngày 01/10/2011 Thông tư số 120/2011/TT-BTC ngày 16/8/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội về miễn, giảm tiền sử dụng đất nông nghiệp sẽ có hiệu lực thi hành, theo đó, việc xét, quyết định miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp từ năm thuế 2011 đến hết năm thuế 2020 được thực hiện như sau:
4.1             Đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp:
a)     Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm; diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm; diện tích đất làm muối.
Diện tích đất trồng cây hàng năm có ít nhất một vụ lúa trong năm bao gồm diện tích đất có quy hoạch, kế hoạch trồng ít nhất một vụ lúa trong năm hoặc diện tích đất có quy hoạch, kế hoạch trồng cây hàng năm nhưng thực tế có trồng ít nhất một vụ lúa trong năm.
b)     Toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao hoặc công nhận cho hộ nghèo.
c)     Diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp cho các đối tượng sau đây:
+   Hộ gia đình, cá nhân nông dân được Nhà nước giao hoặc công nhận đất để sản xuất nông nghiệp, bao gồm cả đất được thừa kế, cho tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất.
+   Hộ gia đình, cá nhân là xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp đã nhận đất giao khoán ổn định của hợp tác xã, nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
Việc giao khoán đất của hợp tác xã và nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp thực hiện theo quy định tại Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 8/11/2005 của Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành.
+   Hộ gia đình, cá nhân là nông trường viên, lâm trường viên đã nhận đất giao khoán ổn định của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh để sản xuất nông nghiệp theo quy định của pháp luật.
+   Hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp có quyền sử dụng đất nông nghiệp góp đất của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật hợp tác xã.
4.2             Đối tượng được giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp:
a)     Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp nhưng không quá hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 3 Điều 1 của Nghị định số 20/2011/NĐ-CP.
Đối với diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp.
b)     Đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác được quy định như sau:
+   Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp.
+   Đối với diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp và các đơn vị khác đang quản lý nhưng không trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà giao cho tổ chức, cá nhân khác nhận thầu theo hợp đồng để sản xuất nông nghiệp thì thực hiện thu hồi đất theo quy định của Luật đất đai. Trong thời gian nhà nước chưa thu hồi đất thì phải nộp 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp.
c)     Giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất nông nghiệp mà Nhà nước giao cho đơn vị vũ trang nhân dân quản lý sử dụng.

5.                  Áp dụng mức lệ phí trước bạ từ 10 - 20% cho xe ôtô con và xe bán tải:
Căn cứ tính lệ phí trước bạ là giá tính lệ phí trước bạ và tỷ lệ (%) lệ phí trước bạ; mức thu lệ phí trước bạ đối với các tài sản tối đa là 500 triệu đồng/1 tài sản/lần trước bạ, trừ ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe), tàu bay, du thuyền. Giá tính lệ phí trước bạ là giá do UBND cấp tỉnh ban hành để làm căn cứ tính lệ phí trước bạ.
Tỷ lệ (%) lệ phí trước bạ nhà, đất là 0,5%; súng săn, súng thể thao là 2%; tàu thuỷ, sà lan, ca nô, tàu kéo, tàu đẩy, thuyền, du thuyền, tàu bay là 1%; xe máy mức thu là 2% (Riêng xe máy của tổ chức, cá nhân ở các thành phố trực thuộc Trung ương; thành phố thuộc tỉnh; thị xã nộp lệ phí trước bạ lần đầu với mức là 5%, lần thứ 2 trở đi được áp dụng mức thu là 1%); ôtô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ôtô là 2% (Riêng ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi, bao gồm cả trường hợp ôtô bán tải vừa chở người, vừa chở hàng thì nộp lệ phí trước bạ theo tỷ lệ từ 10% đến 20%).
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/10/2011 và thay thế Thông tư số 68/2010/TT-BTC ngày 26/10/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn về lệ phí trước bạ.

6.                  Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu của doanh nghiệp
Theo hướng dẫn của Thông tư số 28/2011/TT-NHNN ngày 01/9/2011 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn về việc mua trái phiếu doanh nghiệp của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thì kể từ ngày 20/10/2011, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành để bán lần đầu cho các đối tượng mua trên thị trường sơ cấp trong lãnh thổ Việt Nam (sau đây gọi là mua trái phiếu doanh nghiệp), bao gồm cả trường hợp tổ chức tín dụng mua số trái phiếu doanh nghiệp còn lại chưa bán hết cho đối tượng mua theo cam kết bảo lãnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, trừ trường hợp mua, bán trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành; mua, bán lại trái phiếu doanh nghiệp giữa các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với nhau; mua, bán lại trái phiếu doanh nghiệp giữa tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài với cá nhân và tổ chức không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; mua, bán trái phiếu phát hành trên thị trường quốc tế, được quy định như sau:
6.1             Các loại trái phiếu doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được xem xét mua:
+   Trái phiếu phát hành theo quy định của pháp luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
+   Trái phiếu phát hành theo quy định của pháp luật về chào bán chứng khoán ra công chúng.
6.2             Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thực hiện việc mua trái phiếu doanh nghiệp khi có đủ các điều kiện:
+   Là ngân hàng thương mại, công ty tài chính hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.
+   Trong giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp có ghi nội dung mua trái phiếu doanh nghiệp.
+   Đảm bảo các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
+   Có Hệ thống và thực hiện xếp hạng tín dụng nội bộ, trong đó có xếp hạng tín dụng đối với doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
+   Ban hành Quy định về mua trái phiếu doanh nghiệp phù hợp quy định tại Thông tư 28/2011/TT-NHNN và các quy định của pháp luật liên quan, trong đó có nội dung: Quy trình, thủ tục thẩm định và quyết định mua trái phiếu; trách nhiệm và thẩm quyền của cá nhân, đơn vị trong việc xét duyệt, quyết định mua trái phiếu; các loại và đặc điểm trái phiếu được tổ chức tín dụng, chi nhánh nước ngoài mua; điều kiện của trái phiếu doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua; các chính sách và giới hạn quản lý tín dụng, hệ thống đo lường và quản trị rủi ro, biện pháp và quy trình xử lý rủi ro; thực hiện các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh; kiểm soát nội bộ hoạt động mua trái phiếu.
6.3             Giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp:
+   Tổng mức đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp được tính vào tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng, đối với một khách hàng và người có liên quan theo quy định tại Điều 128 Luật Các tổ chức tín dụng và các quy định có liên quan của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
+   Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định cụ thể các giới hạn mua trái phiếu doanh nghiệp: Mua trái phiếu của một doanh nghiệp phát hành; mua trái phiếu của một doanh nghiệp phát hành và doanh nghiệp liên quan phát hành; mua trái phiếu doanh nghiệp có bảo đảm, không có bảo đảm; mua trái phiếu doanh nghiệp với mục đích để bán, để đầu tư và giữ đến ngày đáo hạn.
+   Chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu chuyển đổi.

7.                  Được vay vốn tín dụng đầu tư tối đa 70% tổng vốn đầu tư của dự án:
Theo quy định tại Nghị định số 75/2011/NĐ-CP quy định về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của nhà nước được Chính phủ ban hành ngày 30/8/2011 và có hiệu lực từ ngày 20/10/2011, Chính phủ quy định rõ chế độ cho vay ưu đãi đối với các doanh nghiệp đầu tư các dự án bất động sản. Cụ thề:
Các dự án bất động sản được vay vốn tín dụng ưu đãi bao gồm:
+   Dự án xây dựng nhà ở cho sinh viên thuê, dự án nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp thuê, dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thuộc Nhóm A, B và C.
+   Dự án đầu tư hạ tầng, mở rộng, nâng cấp, xây dựng mới và thiết bị trong lĩnh vực xã hội hóa: giáo dục đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường thuộc Danh mục hưởng chính sách khuyến khích phát triển theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ thuộc Nhóm A, B.
+   Dự án hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghiệp hỗ trợ, khu chế xuất, khu công nghệ cao thuộc Nhóm A, B.
Điều kiện cho vay:
+   Thực hiện đầy đủ thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật.
+   Chủ đầu tư có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, bảo đảm trả được nợ; được Ngân hàng Phát triển Việt Nam thẩm định phương án tài chính, phương án trả nợ và chấp thuận cho vay.
+   Chủ đầu tư có vốn chủ sở hữu tham gia dự án tối thiểu 20% và phải bảo đảm đủ nguồn vốn để thực hiện dự án, các điều kiện tài chính cụ thể của phần vốn đầu tư ngoài phần vốn vay tín dụng đầu tư của Nhà nước.
+   Chủ đầu tư thực hiện bảo đảm tiền vay.
+   Chủ đầu tư phải mua bảo hiểm tài sản tại một doanh nghiệp bảo hiểm hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đối với tài sản hình thành từ vốn vay thuộc đối tượng mua bảo hiểm bắt buộc trong suốt thời hạn vay vốn.
+   Chủ đầu tư phải thực hiện chế độ hạch toán kế toán, báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật; báo cáo tài chính hàng năm phải được kiểm toán bởi cơ quan kiểm toán độc lập.
Mức vốn cho vay:
+   Mức vốn cho vay đối với mỗi dự án tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động), đồng thời phải đảm bảo mức vốn cho vay tối đa đối với mỗi chủ đầu tư không được vượt quá 15% vốn điều lệ thực có của Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Mức vốn cho vay đối với từng dự án, chủ đầu tư do Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định.
+   Trường hợp đặc biệt, dự án, chủ đầu tư nhất thiết phải vay với mức cao hơn mức tối đa theo quy định nêu trên, Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo Bộ Tài chính để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Thời hạn cho vay: Thời hạn cho vay được xác định theo khả năng thu hồi vốn của dự án và khả năng trả nợ của chủ đầu tư phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của dự án nhưng không quá 12 năm. Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định thời hạn cho vay đối với từng dự án.
Lãi suất cho vay:
+   Lãi suất cho vay đầu tư không thấp hơn lãi suất bình quân các nguồn vốn cộng với phí hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
+   Tổng Giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam tính toán mức lãi suất bình quân các nguồn vốn và chi phí hoạt động báo cáo Chủ tịch Hội đồng quản lý Ngân hàng Phát triển Việt Nam trình Bộ Tài chính công bố lãi suất cho vay tín dụng đầu tư. Trường hợp lãi suất huy động bình quân có biến động lớn, Chủ tịch Hội đồng quản lý Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo Bộ Tài chính điều chỉnh lãi suất cho phù hợp.
+   Lãi suất nợ quá hạn đối với mỗi khoản giải ngân bằng 150% lãi suất cho vay trong hạn đối với từng khoản giải ngân.
Mức hỗ trợ sau đầu tư: Bộ Tài chính quyết định mức hỗ trợ sau đầu tư trên cơ sở chênh lệch giữa lãi suất vay vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng và lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước và đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản lý Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Thời điểm công bố mức hỗ trợ sau đầu tư cùng với thời điểm công bố lãi suất tín dụng đầu tư.

8.                  Phạt tới 100 triệu đồng đối với hành vi vi phạm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả
Theo Nghị định số 73/2011/NĐ-CP ngày 24/8/2011 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (có hiệu lực từ ngày 15/10/2011), mức phạt đối với các hành vi vi phạm hành chính về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả được quy định tối đa lên đến 100 triệu đồng.
Trong đó, phạt tiền từ 10 đến 30 triệu đồng đối với các cơ sở sản xuất công nghiệp không thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật, biện pháp quản lý công nghệ sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả bắt buộc áp dụng quy định tại Điều 24 Nghị định số 21/2011/NĐ-CP ngày 29/3/2011 của Chính phủ.
Mức phạt là từ 20 đến 30 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đúng các quy định về định mức sử dụng năng lượng, quy chuẩn kỹ thuật trong thiết kế, thi công, sử dụng vật liệu xây dựng nhằm tiết kiệm năng lượng do Bộ Xây dựng ban hành.
Trong hoạt động vận tải, hành vi sản xuất thiết bị, phương tiện vận tải không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, mức tiêu thụ năng lượng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong sản xuất thiết bị, phương tiện vận tải bị phạt từ 50 đến 70 triệu đồng. Mức phạt sẽ lên đến 100 triệu đồng nếu nhập khẩu thiết bị, phương tiện vận tải không tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật, định mức tiêu thụ năng lượng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đối với thiết bị, phương tiện vận tải.
Phạt tiền từ 30 đến 50 triệu đồng đối với hành vi cung cấp sai thông tin hiệu suất năng lượng trên nhãn năng lượng so với Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng của phương tiện, thiết bị được cơ quan có thẩm quyền cấp. Dán nhãn năng lượng cho phương tiện, thiết bị không đúng với Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng hoặc chưa được cấp Giấy chứng nhận dán nhãn năng lượng bị phạt từ 50 đến 70 triệu đồng.

(Theo DLF)

[1] Phân chia vùng cụ thể được thực hiện theo quy định tại Phụ lục bàn hành kèm theo Nghị định 70/2011/NĐ-CP.

Nhãn: