Lựa chọn loại hình doanh nghiệp: cổ phần hay TNHH?

17:02 / Người đăng: Luật sư Lê Văn Huyên /

Theo các quy định pháp luật doanh nghiệp mới được ban hành trong năm 2010[1] thì việc đăng ký kinh doanh, tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp đã có nhiều thay đổi so với trước đây[2], đặc biệt, đối với loại hình công ty cổ phần (“CP”) và công ty trách nhiệm hữu hạn (“TNHH”). Trong khi đó, việc lựa chọn hình thức doanh nghiệp trước khi bắt đầu công việc kinh doanh là rất quan trọng, nó có ảnh hưởng không nhỏ tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Về cơ bản, những sự khác biệt tạo ra bởi loại hình doanh nghiệp là:
-          Uy tín doanh nghiệp do thói quen tiêu dùng;
-          Khả năng huy động vốn;
-          Rủi ro đầu tư;
-          Tính phức tạp của thủ tục và các chi phí thành lập doanh nghiệp;
-          Tổ chức quản lý doanh nghiệp.
Do vậy, trong bảng phân tích và so sánh dưới đây, chúng tôi trình bày một số ý kiến về hai loại hình doanh nghiệp trên nhằm giúp các Quý Khách hàng có sự lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp trong hoạt động đầu tư, kinh doanh của mình.
Tiêu chí
Công ty TNHH
Công ty CP
Ý kiến bình luận
Vốn điều lệ của doanh nghiệp
Vốn điều lệ là tổng giá trị vốn góp đã góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn cụ thể và đã được ghi vào Điều lệ[3].


Vốn điều lệ là tổng giá trị mệnh giá số cổ phần đã phát hành. Số cổ phần đã phát hành là số cổ phần mà các cổ đông đã thanh toán đủ cho công ty. Tại thời điểm đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp, vốn điều lệ là tổng giá trị mệnh giá các cổ phần do các cổ đông sáng lập và các cổ đông phổ thông khác đã đăng ký mua[4].
- Đối với công ty TNHH, vốn điều lệ được xác định trên tổng giá trị vốn góp mà các thành viên sáng lập đã góp hoặc cam kết góp trong một thời hạn 36 tháng kể từ ngày công ty nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (“Giấy CNĐKDN”).
- Đối với công ty CP, tại thời điểm đăng ký thành lập công ty, vốn điều lệ chỉ được xác lập trên tổng giá trị mệnh giá số cổ phần mà các cổ đông sáng lập và cổ đông phổ thông đã đăng ký mua. Đối với tổng giá trị mệnh giá số CP được quyền chào bán ra bên ngoài chưa được các CĐ phổ thông khác đăng ký mua thì không được tính vào vốn điều lệ công ty. Từ quy định này cho thấy, sau khi công ty CP đã đi vào hoạt động mà muốn phát hành thêm CP để tăng vốn điều lệ, thì vốn điều lệ mới (sau khi tăng lên) của công ty chỉ được cơ quan đăng ký kinh doanh xác nhận sau khi cổ phần chào bán đã được các CĐ đã đăng ký mua, và đã thanh toán đủ cho công ty CP.
Thời hạn góp vốn điều lệ
Thời hạn góp vốn là 36 tháng kể từ ngày công ty được cấp Giấy CNĐKDN hoặc Giấy CNĐKDN  đăng ký bổ sung, thay đổi thành viên[5].

Thời hạn góp vốn là 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được Giấy CNĐKDN CĐ sáng lập và CĐ phổ thông tại thời điểm đăng ký thành lập công ty phải thanh toán đủ số CP đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy CNĐKDN[6]

So sánh giữa hai công ty, các thành viên của công ty TNHH có thời hạn góp vốn dài hơn rất nhiều so với các cổ đông của công ty CP:
- Đối với công ty TNHH, thời hạn góp vốn của thành viên là 36 tháng kể từ ngày được cấp Giấy CNĐKDN hoặc Giấy CNĐKDN đăng ký bổ sung, thay đổi thành viên[7]. Thời hạn 36 tháng này không chỉ áp dụng đối với thành viên cam kết góp vốn tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, mà ngay cả sau khi công ty đã được thành lập, và có sự thay đổi thành viên: tiếp nhận thêm thành viên và vốn góp; chuyển nhượng vốn góp toàn bộ hoặc một phần quyền góp vốn (trong thời hạn chưa vi phạm thời hạn cam kết góp vốn lần cuối).
- Đối với công ty CP, các cổ đông sáng lập và các cổ đông phổ thông khác đã đăng ký mua tại thời điểm đăng ký thành lập công ty, phải có nghĩa vụ góp vốn trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được Giấy CNĐKDN, mà không có quyền gia hạn thời hạn cam kết góp vốn. Tại các thời điểm khác, sau khi công ty được thành lập, các cổ đông hiện hữu hoặc người thứ ba không phải là cổ đông của công ty đăng ký mua cổ phần được công ty phát hành thêm phải thanh toán đầy đủ trước khi công ty đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xác nhận lại vốn điều lệ và điều chỉnh lại nội dung Giấy CNĐKDN.
Thời hạn xử lý đối với phần vốn góp chưa được góp như đã cam kết
Sau thời hạn cam kết góp vốn lần cuối mà vẫn có thành viên chưa góp vốn như đã cam kết, thành viên chưa góp vốn vào công ty chưa cam kết đương nhiên không còn là thành viên công ty và không có quyền chuyển nhượng quyền góp vốn đó cho người khác[8].
Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cam kết góp vốn lần cuối, số vốn chưa góp đủ được xử lý theo thứ tự ưu tiên sau: (i) Các thành viên còn lại nhận góp một phần hoặc toàn bộ số vốn chưa góp theo tỷ lệ số vốn đã góp vào công ty; (ii) Một hoặc một số thành viên nhận góp đủ số vốn chưa góp, (iii) huy động thêm người khác góp đủ số vốn chưa góp[9].
cổ đông sáng lập không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn 90 ngày, kể từ khi công ty được cấp Giấy CNĐKDN thì người thứ ba không phải là cổ đông sáng lập nhận góp vốn đó đương nhiên trở thành cổ đông sáng lập của công ty. Trong trường hợp này, cổ đông sáng lập chưa góp cổ phần theo đăng ký đương nhiên không còn là cổ đông của công ty và không được chuyển nhượng quyền mua cổ phần đó cho người khác[10]. Cổ đông không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua, số cổ phần còn lại được xử lý trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cuối cùng cổ đông phải thanh toán đủ số cổ phần đăng ký mua, theo cách xử lý như sau: (i) Các cổ đông sáng lập còn lại góp đủ số cổ phần đó theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty; (ii) Một hoặc một số cổ đông sáng lập nhận góp đủ số cổ phần đó; (iii) Huy động người khác không phải là cổ đông sáng lập nhận góp đủ số cổ phần đó[11].
Như vậy, thời hạn xử lý phần vốn góp còn thiếu chưa góp đúng theo cam kết của công ty TNHH so với công ty CP là dài hơn:
- Đối với công ty TNHH, thành viên sáng lập chỉ có thể không còn là thành viên công ty, và không có quyền chuyển nhượng quyền góp vốn, nếu sau thời hạn cam kết góp vốn lần cuối mà vẫn chưa góp vốn như đã cam kết.
- Đối với công ty CP, trong thời hạn 90 ngày kể từ khi công ty được cấp Giấy CNĐKDN, cổ đông sáng lập không thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua sẽ không còn là cổ đông sáng lập của công ty CP, và cũng không được quyền chuyển nhượng quyền mua cổ phần cho người khác. Như vậy, cổ đông của công ty CP hoàn toàn không được quyền cam kết thêm thời hạn góp vốn nếu đã hết thời hạn 90 ngày như đã nêu ở trên.
Hạn chế chuyển nhượng vốn góp
Phần vốn góp của các thành viên trong công ty TNHH không bị hạn chế chuyển nhượng trong 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy CNĐKKD. Tuy nhiên, khi thực hiện chuyển nhượng phần vốn góp thì thành viên phải tuân thủ quy định tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp[12].
Đối với cổ đông sáng lập đăng ký mua cổ phần tại thời điểm đăng ký doanh nghiệp lần đầu và đã góp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy CNĐKDN[13] thì bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được thành lập[14].
So với các thành viên của công ty TNHH thì các cổ đông sáng lập của công ty CP bị hạn chế chuyển nhượng cổ phần trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy CNĐKDN (việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập này chỉ có thể được thực hiện khi được sự đồng ý của Đại hội đồng cổ đông).
Tuy nhiên, sau khi hết thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy CNĐKKD thì việc hạn chế chuyển nhượng đối với cổ đông sáng lập công ty CP được bãi bỏ, trong khi đó, việc chuyển nhượng phần vốn góp của thành viên công ty TNHH được duy trì trong suốt thời hạn tồn tại của công ty.
Hạn chế việc tăng vốn điều lệ
Pháp luật không quy định hạn chế việc tăng vốn điều lệ của công ty TNHH, thậm chí ngay cả khi các thành viên chưa góp đủ vốn theo cam kết. Công ty có thể tăng vốn điều lệ ở bất kỳ thời điểm nào và không phụ thuộc và các thành viên đã góp đủ vốn đã cam kết hay chưa.
Về cơ bản, công ty CP cũng không bị hạn chế về việc tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, công ty không được tăng số cổ phần được quyền phát hành khi số cổ phần hiện có chưa được bán hết[15].
- Về mặt pháp lý, công ty TNHH không bị hạn chế về việc tăng vốn điều lệ, pháp luật không buộc công ty phải đáp ứng điều kiện gì trước khi tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, trên thực tế, để có thể tăng vốn điều lệ thì các phương án khá hạn chế do bị khống chế về số lượng thành viên.
- Đối với công ty CP, việc không được tăng số cổ phần được quyền phát hành để tăng vốn điều lệ cho công ty khi số cổ phần hiện có chưa được bán hết cũng là điều hợp lý. Lưu ý, số cổ phần chưa được bán hết ở đây cần được hiểu là số cổ phần đã được các cổ đông đăng ký mua tại thời điểm đăng ký thành lập công ty nhưng chưa thanh toán đầy đủ trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày công ty nhận được Giấy CNĐKDN.
Về mặt thực tế, công ty CP có nhiều phương án để tăng vốn điều lệ hơn so với công ty TNHH do không bị hạn chế về số lượng cổ đông, bên cạnh đó, quyền được niêm yết trên các sàn giao dịch chứng khoán của công ty CP cũng là một lợi thế của loại hình doanh nghiệp này so với công ty TNHH trong việc huy động vốn.
Thủ tục huy động vốn (tăng vốn điều lệ)
Việc huy động vốn để tăng vốn điều lệ có thể thực hiện theo các cách sau:
i)     Các thành viên sáng lập góp thêm vốn;
ii)   Tiếp nhận thêm thành viên mới, đồng thời tiếp nhận thêm vốn góp.
Thủ tục huy động vốn đơn giản, các bên tự gặp gỡ và thỏa thuận thông qua văn bản thỏa thuận góp thêm vốn hoặc hợp đồng chuyển nhượng vốn góp hoặc thỏa thuận tiếp nhận thành viên mới đồng thời tăng vốn điều lệ.
Việc huy động vốn để tăng vốn điều lệ bằng cách thực hiện chào bán cổ phần theo một trong các phương thức sau đây:
i)    Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, kể cả internet;
ii)  Chào bán cho từ một trăm nhà đầu tư trở lên, không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp;
iii)Chào bán cho một số lượng nhà đầu tư không xác định;
iv)Chào bán cho dưới một trăm nhà đầu tư đã được xác định.
Về hồ sơ, trình tự, thủ tục và điều kiện chào bán cổ phần được hướng dẫn và thực hiện theo quy định có liên quan của pháp luật về chứng khoán.
- Nếu xét về thủ tục, rõ ràng việc tăng vốn điều lệ của công ty CP phức tạp và mất nhiều thời gian hơn rất nhiều so với công ty TNHH, bởi lẽ  khi công ty TNHH huy động vốn thì không bị áp dụng một thủ tục phức tạp nào, thì ngược lại, công ty CP phải thực hiện theo quy định có liên quan của pháp luật chứng khoán. Cụ thể, việc chào bán phải thực hiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định 102 và vốn điều lệ mới (được tăng lên) chỉ được đăng ký lại sau khi kết thúc đợt chào bán cổ phần (cổ đông đã đăng ký mua và thanh toán đủ).
- Về hồ sơ, trình tự, thủ tục và điều kiện chào bán cổ phần được thực hiện theo quy định có liên quan của pháp luật về chứng khoán, như: về điều kiện chào bán cổ phần riêng lẻ, hồ sơ đăng ký bào bán cổ phần riêng lẻ; về nghĩa vụ của tổ chức chào bán (công ty CP) khi và sau khi thực hiện chào bán cổ phần riêng lẻ thực hiện căn cứ theo quy định tại các Điều 8, 9, 10, và Điều 11 Nghị định số 01/2010/NĐ-CP ngày 04/01/2010 của Chính phủ về chào bán cổ phần riêng lẻ (tham khảo phần  trình bày ở dưới).
Khoảng cách thời gian giữa các đợt huy động vốn
Không quy định khoảng cách thời gian giữa các đợt huy động vốn dưới bất kỳ hình thức nào. Công ty có quyền huy động vốn bất kỳ thời điểm nào một cách liên tục.
Thời điểm huy động vốn dưới hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ chỉ được thực hiện cách đợt chào bán cổ phần riêng lẻ lần trước ít nhất là 6 tháng[16].
Công ty CP bị hạn chế hơn so với công ty TNHH về khoảng cách thời gian giữa các đợt huy động vốn.

THAM KHẢO THÊM VỀ ĐIỀU KIỆN, VÀ TRÌNH TỰ THỦ TỤC CHÀO BÁN CỔ PHẦN RIÊNG LẺ  CỦA CÔNG TY CỔ PHẤN
Căn cứ theo quy định tại các Điều 8, 9, 10, và Điều 11 của  Nghị định số 01/2010/NĐ-CP ngày 04/01/2010 của Chính phủ quy định về chào bán CP riêng lẻ, thì về điều kiện chào bán CP riêng lẻ, hồ sơ đăng ký bào bán CP riêng lẻ, và về nghĩa vụ của tổ chức chào bán (công ty CP)  khi và sau khi thực hiện chào bán CP riêng lẻ được quy định như sau:
1 - Điều kiện chào bán CP riêng lẻ
-          Có quyết định thông qua phương án chào bán CP riêng lẻ và phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán của Đại hội đồng CĐ hoặc Hội đồng quản trị theo Điều lệ công ty hoặc ủy quyền của Đại hội đồng CĐ cho Hội đồng quản trị.
-          Phương án chào bán phải xác định rõ đối tượng và số lượng nhà đầu tư được chào bán dưới 100 nhà đầu tư và hạn chế chuyển nhượng CP tối thiểu trong vòng 01 năm kể từ ngày hoàn thành đợt chào bán.
-          Trường hợp chào bán cho các đối tác chiến lược, tổ chức chào bán phải xây dựng tiêu chí xác định, lựa chọn đối tác chiến lược. Đối tác chiến lược là các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp; chuyển giao công nghệ mới, cung ứng nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp.
-          Những người có quyền lợi liên quan đến đợt chào bán riêng lẻ không được tham gia biểu quyết thông qua Nghị quyết Đại hội đồng CĐ về việc này.
-          Có hồ sơ đăng ký chào bán CP riêng lẻ đầy đủ và hợp lệ gửi tới cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Sở Kế hoạch và Đầu tư) chậm nhất 20 ngày trước ngày dự kiến thực hiện việc chào bán, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.
-          Các đợt chào bán riêng lẻ phải cách nhau ít nhất 6 tháng.
-          Đảm bảo tuân thủ các quy định về tỷ lệ góp vốn, hình thức đầu tư, trong trường hợp có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

2- Hồ sơ đăng ký chào bán CP riêng lẻ
Hồ sơ gồm:
-          Báo cáo chào bán CP riêng lẻ (theo mẫu quy định)
-          Quyết định của Đại hội đồng CĐ hoặc Hội đồng quản trị thông qua phương án chào bán và phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán.
-          Nghị quyết Đại hội đồng CĐ hoặc Hội đồng quản trị theo Điều lệ công ty hoặc ủy quyền của Đại hội đồng CĐ thông qua tiêu chuẩn đối tác chiến lược, người lao động, trong trường hợp chào bán cho đối tác chiến lược, người lao động trong công ty.
-          Quyết định của Hội đồng quản trị thông qua danh sách đối tác chiến lược, người lao động, trong trường hợp chào bán cho đối tác chiến lược, người lao động trong công ty.
-          Tài liệu cung cấp thông tin về đợt chào bán cho nhà đầu tư (theo mẫu).
-          Tài liệu chứng minh đáp ứng tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và tuân thủ quy định về hình thức đầu tư, trong trường hợp chào bán cho nhà đầu tư nước ngoài.
-          Các tài liệu khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
3- Nghĩa vụ của tổ chức chào bán khi thực hiện chào bán CP riêng lẻ
-          Trong thời hạn 90 ngày, trước và trong khi thực hiện việc chào bán CP riêng lẻ, tổ chức chào bán không được quảng cáo việc chào bán trên các phương tiện thông tin đại chúng, trừ trường hợp công bố thông tin theo pháp luật về chứng khoán và các văn bản pháp luật có liên quan. Việc công bố thông tin không được chứa đựng nội dung có tính chất quảng cáo và mời chào về việc chào bán CP riêng lẻ.
-          Gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hồ sơ đăng ký chào bán CP riêng lẻ (Sở Kế hoạch và Đầu tư); sửa đổi, bổ sung hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi thực hiện chào bán.
-          Cung cấp thông tin về đợt chào bán cho nhà đầu tư.
-          Tổ chức thực hiện việc chào bán theo đúng phương án đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
-          Tiền mua chứng khoán phải được chuyển vào tài khoản phong tỏa mở tại ngân hàng thương mại cho đến khi hoàn tất đợt chào bán.
4 - Nghĩa vụ của tổ chức chào bán sau khi chào bán CP riêng lẻ
-          Trong vòng 10 ngày, kể từ khi kết thúc đợt chào bán, tổ chức chào bán có nghĩa vụ gửi Báo cáo kết quả đợt chào bán và danh sách CĐ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư đồng thời công bố kết quả chào bán trên website của tổ chức chào bán (nếu có).
-          Sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán theo đúng phương án đã được thông qua theo quy định :
-          Có quyết định thông qua phương án chào bán CP riêng lẻ và phương án sử dụng số tiền thu được từ đợt chào bán của Đại hội đồng CĐ hoặc Hội đồng quản trị theo Điều lệ công ty hoặc ủy quyền của Đại hội đồng CĐ cho Hội đồng quản trị Trường hợp thay đổi mục đích sử dụng vốn tổ chức chào bán phải công bố thông tin về lý do thay đổi và Quyết định của Đại hội đồng CĐ hoặc Hội đồng quản trị (nếu được Đại hội đồng CĐ ủy quyền) về việc thay đổi.
-          Nộp cho Sở Kế hoạch và Đầu tư và công khai báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật về kế toán.
-          Tổ chức chào bán  khi công bố thông tin đồng thời phải báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư về nội dung thông tin được công bố. Việc công bố thông tin phải do người đại diện hợp pháp của công ty  hoặc người được ủy quyền công bố thông tin thực hiện. Người đại diện hợp pháp của công ty phải chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do người được ủy quyền công bố thông tin công bố.


[1] Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp (“Nghị định 43”) và Nghị định 102/2010/NĐ-CP ngày 01/10/2010 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp (“Nghị định 102”).
[2] Quý Khách hàng vui lòng tham khảo Chuyên đề Hướng dẫn mới về thành lập, tổ chức quản lý, hoạt động, tổ chức lại và giải thể doanh nghiệp ngày 25/10/2010.
[3] Khoản 6 Điều 4 Luật doanh nghiệp 2005.
[4] Khoản 4, Điều 6, Nghị định 102.
[5] Khoản 3, Điều 6, Nghị định 102.
[6] Điều 84 Luật doanh nghiệp 2005.
[7]  Khoản 3, Điều 6, Nghị định 102.
[8] Khoản 4, Điều 18, Nghị định 102.
[9] Khoản 5, Điều 18, Nghị định 102.
[10] Khoản 5, Điều 23, Nghị định 102.
[11] Khoản 3, Điều 84, Luật Doanh nghiệp.
[12] Thành viên chuyển nhượng vốn phải chào bán phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày chào bán.
[13] Khoản 10, Điều 23, Nghị định 102.
[14] Khoản 5, Điều 84, Luật doanh nghiệp.
[15] Khoản 9, Điều 23, Nghị định 102.
[16] Khoản 8, Nghị định số 01/2010/NĐ-CP.

Nhãn: