Chính sách bảo vệ đất lúa

13:25 / Người đăng: Luật sư Lê Văn Huyên /


Cuối tuần trước Chính phủ đã ban hành Nghị định 42/2012 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa với nhiều điều khoản nghiêm ngặt.
 


Cụ thể, ngoài việc đề ra các mức hỗ trợ của ngân sách để khai hoang, cải tạo đất chưa sử dụng thành đất trồng lúa hoặc cải tạo đất lúa khác thành đất chuyên trồng lúa nước, nghị định đặt ra những điều kiện rất cụ thể cho việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa. Theo đó, từ ngày 1-7 sắp tới, việc UBND các địa phương muốn chuyển mục đích sử dụng đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng cho mục đích khác (như xây nhà) phải đáp ứng đủ ba điều kiện:

Thứ nhất, phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt và được cấp có thẩm quyền cho phép; thứ hai, phải có phương án sử dụng đất tiết kiệm tối đa, thể hiện trong thuyết minh tổng thể của dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt; thứ ba, tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước theo quy định phải có phương án sử dụng lớp đất mặt và bù bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất do chuyển mục đích sử dụng theo quy định.

Đưa được ra ba điều kiện này là một sự cố gắng rất lớn của cơ quan soạn thảo, bởi lâu nay UBND các địa phương hết sức “vô tư” khi phê duyệt các dự án đô thị, sân golf ở vùng có đất lúa. Ai cũng biết lấy đất lúa là “nhàn” và “rẻ” nhất cho nhà đầu tư, vì giá đền bù chỉ phải theo mức của đất nông nghiệp (vài trăm ngàn đồng/m2), hoa lợi trên đất rất ít và chi phí san nền, bơm cát cũng không lớn. Hơn nữa đất lúa thường nằm ở khu vực đông dân cư nên chỉ sau “phép màu” (quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất), mỗi mét vuông đất lúa sau đó sẽ trở thành “thổ cư” và giá trị tăng lên cả ngàn lần, mà vụ khiếu kiện của nông dân Văn Giang (Hưng Yên) là điển hình.

Hơn thế, nghị định tỏ rõ sự tiến bộ khi nêu rõ cấm bỏ hoang đất chuyên trồng lúa nước từ 12 tháng trở lên và đất lúa khác từ hai năm trở lên không vì lý do thiên tai bất khả kháng. Điều khoản này nếu được thực thi sẽ hạn chế thấp nhất tình trạng KCN, KCX bỏ hoang, cỏ mọc trong khi nông dân không có đất cấy cày. Mới mấy tháng trước, việc nông dân gần KCN Vu Gia (Hải Dương) “cờ giong trống mở” vào KCN để “vỡ hoang” do chủ đầu tư Vinashin để cỏ mọc đã quá lâu (10 năm), trong khi lao động nông thôn đang thiếu việc, đã gây chấn động lớn.

Một nước nông nghiệp, khí hậu nhiệt đới gió mùa không giữ đất lúa để lo cho tương lai thì sau này lấy gì mà ăn?

Theo Bằng Lĩnh
PL TPHCM

Nhãn: