Minh bạch – yếu tố quan trọng chống rửa tiền trong KDBĐS

20:21 / Người đăng: Luật sư Lê Văn Huyên /


1f.jpgThông tư số 12/2011/TT-BXD do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam ký ban hành ngày 01/9 hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 74/2005/NĐ-CP ngày 7/6/2005 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, sẽ chính thức có hiệu lực vào tháng 10/2011.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam, Thông tư này nhằm hướng dẫn cơ quan chức năng, cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc nước ngoài có tham gia vào các hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS), kinh doanh dịch vụ BĐS, thực hiện các biện pháp phòng, chống rửa tiền đối với hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực này.        

Sự ra đời của Thông tư này được các chuyên gia trong ngành đánh giá là rất cần thiết bởi Việt Nam đã tham gia Công ước Quốc tế về Chống rửa tiền ở tất cả các lĩnh vực, trong đó có BĐS. Mặt khác, đây cũng chính là rào cản ngừa tham nhũng. Hiện giá BĐS tại Việt Nam đang cao hơn nhiều so với bình quân thu nhập của người dân và xảy ra tình trạng đầu cơ, đẩy giá, khiến người có nhu cầu thực khó có khả năng mua nhà. Trong khi đó, không thể loại bỏ khả năng thao túng thị trường là các đối tượng mạnh về tài chính, trong đó có sử dụng nguồn tiền do hoạt động kinh doanh phi pháp. Việt Nam chưa có con số cụ thể về hoạt động rửa tiền, nhưng thực tế dấu hiệu rửa tiền thông qua BĐS giá trị cao cũng phải được ngăn ngừa kịp thời.       

Dấu hiệu nhận biết sẽ tập trung vào các giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực BĐS như: Không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc một giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính; doanh số giao dịch trên tài khoản không phù hợp với tình trạng tài chính hoặc với thông tin và hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng, hoặc có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản của khách hàng; giao dịch được tiến hành bởi một khách hàng có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng mà tổ chức báo cáo biết hoặc có trong danh sách cảnh báo do Bộ Công an và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cung cấp; hồ sơ giao dịch hoặc hồ sơ về BĐS có dấu hiệu giả mạo (ví dụ: con dấu giả, chữ ký giả, giấy chứng minh nhân dân giả, hộ chiếu giả, địa chỉ bất động sản không đúng thực tế...); các giao dịch BĐS là giao dịch ủy quyền nhưng không có cơ sở pháp lý; địa chỉ của các bên tham gia giao dịch không chính xác và có thay đổi địa chỉ so với những lần giao dịch trước; thông tin về cùng một khách hàng được khai báo khác nhau trong các lần giao dịch khác nhau; khách hàng tỏ ra không quan tâm đến giá cả BĐS, phí giao dịch phải trả; khách hàng giao dịch không có ủy quyền nhưng không cung cấp được các thông tin liên quan tới BĐS, không muốn cung cấp bổ sung thông tin về nhân thân; giá cả thỏa thuận giữa các bên giao dịch không phù hợp giá cả thị trường. Ngoài ra, cơ quan có thẩm quyền có thể tự bổ sung thêm các dấu hiệu đáng ngờ khác trong giao dịch BĐS. Thời gian tới, khách hàng giao dịch BĐS cần cung cấp đầy đủ các thông tin theo mẫu; các chủ dự án cũng phải công bố đầy đủ, chi tiết và công khai các thông tin liên quan.       

Các giao dịch đáng ngờ bị phát hiện sẽ được báo cho Cục Phòng, Chống rửa tiền thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS - Bộ Xây dựng trong vòng 48 giờ. Trường hợp phát hiện giao dịch có liên quan tới hoạt động tội phạm sẽ phải báo cáo cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong vòng 24 giờ kể từ thời điểm phát hiện. Theo quy định tại Thông tư, thời gian tới, các đơn vị có liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS phải chủ động đào tạo về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực này.        

Để kiểm soát tốt các hành vi rửa tiền trong hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực BĐS, việc nhận biết và cập nhật thông tin về khách hàng đặc biệt phải được chú trọng. Do đó, khách hàng được phân thành các loại sau: thiết lập mối quan hệ giao dịch lần đầu với Tổ chức báo cáo; thực hiện các giao dịch BĐS bằng tiền mặt có giá trị lớn; thực hiện các giao dịch đáng ngờ; thực hiện số lượng giao dịch BĐS từ 2 giao dịch trở lên trong 1 ngày; khách hàng mua, bán từ 2 BĐS trở lên trong một lần (kể cả khách hàng mua và bán BĐS)... Ngoài ra, cơ quan chức năng cần xem xét hồ sơ về BĐS, dự án BĐS, khách hàng để sớm phát hiện những nghi ngờ về tính trung thực của hồ sơ.   

Tuy nhiên, hiện một số chuyên gia trong lĩnh vực BĐS vẫn băn khoăn về quy định "giao dịch tiền mặt có giá trị lớn". Nếu theo khoản 1 điều 9 Nghị định 74/NĐ-CP thì mức tiền mặt quy định (hoặc bằng vàng, ngoại tệ có giá trị tương đương) có tổng giá trị từ 200 triệu đồng trở lên đã xếp vào diện "giao dịch đáng ngờ". Nhưng trên thực tế, hiện các giao dịch BĐS đều có giá trị vượt xa mức này nên nếu xác định dấu hiệu đáng ngờ dựa vào giá trị BĐS theo quy định này thì sẽ không phù hợp...
                                                                                                         Theo monre.gov.vn 

Nhãn: